Chuyển từ “trị” sang ngừa

Cụ thể Cục sẽ đảm trách bốn lĩnh vực: (1) Tăng cường giáo dục cho cán bộ tính tự giác, tự kỷ luật về liêm khiết; (2) Tăng cường xây dựng chế độ, nâng cao trình độ, chế độ công tác chống tham nhũng; (3) Tăng cường hạn chế và giám sát đối với vấn đề thực thi quyền lực, bao gồm giám sát tình trạng quán triệt pháp luật, quy định và chính sách nhà nước; (4) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống tham nhũng, thực hiện nghĩa vụ quy định trong Công ước Chống tham nhũng của LHQ.

Về danh nghĩa, Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia trực thuộc Quốc hội nhưng thực chất sẽ hoạt động giống như Bộ Giám sát do Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (KTKLTƯ) thống nhất lãnh đạo. Tuy nhiên, Cục không có quyền chấp pháp. Đây là điểm phân định rõ ràng chức năng của Cục với chức năng của Bộ Giám sát và Ủy ban KTKLTƯ.

Ông Lý Thành Tín (chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu xây dựng liêm chính Đại học Bắc Kinh) cho biết, mục đích thành lập nhằm đưa công tác phòng chống tham nhũng dần dần từ trừng trị chuyển sang phòng ngừa dựa theo kinh nghiệm của quốc tế.

Một bối cảnh quan trọng khác là Trung Quốc đã gia nhập Công ước Chống tham nhũng của LHQ vào tháng 12-2003 (Công ước chính thức có hiệu lực từ năm 2005). Điều 6 của Công ước đã quy định: Các nước tham gia Công ước cần phải dựa trên chế độ pháp luật của nước mình bảo đảm thành lập một hoặc nhiều cơ quan phòng chống tham nhũng, đồng thời tạo cơ chế cho cơ quan này tính độc lập cần thiết và số lượng nhân viên chuyên nghiệp.

Công ước cũng nhấn mạnh, tôn chỉ chống tham nhũng là tăng cường dự phòng và tấn công tham nhũng, xây dựng các biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, quy phạm nội dung và phương thức hợp tác quốc tế trong chống tham nhũng bao gồm các điều khoản về hỗ trợ tư pháp, dẫn độ, chuyển giao quản lý người bị kết án, chuyển giao kiện cáo hình sự, hợp tác chấp pháp, hợp tác điều tra và phương pháp điều tra.

Hiện chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố cơ chế nội bộ của Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia. Tuy nhiên, theo phương án ban đầu trình lên Ủy ban Tổ chức cơ cấu trung ương, Ủy ban KTKLTƯ đã kiến nghị Cục sẽ phân thành ba cơ quan gồm một cơ quan tổng hợp công tác và hai cơ quan chuyên ngành vì một trong các chức năng chính của Cục là nghiên cứu thể chế, cơ chế. 

Chuyển từ “trị” sang ngừa ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giám sát Mã Văn sẽ kiêm chức cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia. Bà Mã Văn sinh tháng 7-1948, học vấn đại học, vào Đảng tháng 8-1972. Bà lần lượt kinh qua các chức vụ: phó chủ nhiệm Đại đội thanh niên xung phong công xã Độc Luân (khu tự trị Nội Mông), phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách công xã; phó bí thư đảng ủy một chi nhánh Đại học Nam Khai; phó bí thư đảng ủy Đại học Nam Khai kiêm chủ nhiệm Văn phòng Công tác học sinh; phó trưởng Ban Tuyên truyền thuộc Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình quốc gia, phó bí thư đảng ủy cơ quan kiêm bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật cơ quan; bí thư đảng ủy cơ quan Bộ Giám sát. Tháng 1-2004, bà giữ chức phó bí thư Ủy ban KTKLTƯ và tháng 8-2007 được bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Giám sát.

HỒNG ANH (Theo China daily, Tân Hoa xã, Zaobao)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm