Hiện có hai tàu lớn đang tìm kiếm dưới đáy đại dương với thiết bị dò tìm sóng siêu âm hiện đại. Những thiết bị này được kéo theo bởi tàu HMAS Ocean Shield của hải quân Australia và tàu HMS Echo của Anh. Các thiết bị này có thể xuống đến độ sâu 2,5 dặm và truyền tín hiệu lại cho tàu mẹ.
Như thông tin đã đưa, pin của hộp đen máy bay chỉ có tuổi thọ khoảng 30 ngày. Tham mưu trưởng không quân Australia, ông Angus Houston nói: “Thời gian chúng ta còn lại chỉ khoảng 48 tiếng nữa”.
Bản đồ khu vực tìm kiếm trên Ấn Độ Dương. Ảnh: Mirror
Ngày hôm nay, đội tìm kiếm Trung Quốc đưa ra thông tin quan trọng là họ đã bắt được một tín hiệu, có sóng âm tần số 37.5 kHz, tần số mà các chuyên gia cho là gần như trùng khớp với sóng phát ra từ các hộp đen của máy bay. Được biết tần số này là cố định cho mọi loại máy bay. Theo Tân Hoa Xã, vị trí của tín hiệu này là ở khoảng 25 độ vĩ Nam, 101 độ kinh Đông.
Tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu, ba chuyên gia trên tàu Haixan-01 khẳng định nghe được âm thanh này nhưng không kịp ghi âm lại vì sự việc diễn biến quá đột ngột. Mặc dù sau đó một thông tin khác cho biết những âm thanh này kéo dài đến 15 phút trước khi biến mất.
Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng cho biết máy bay của họ đã phát hiện một vật thể màu trắng, hình chữ nhật khá lớn trên biển.
Hỉnh ảnh vật thể trắng máy bay Trung Quốc chụp được. Ảnh: Mirror
Hai thông tin này ngay lập tức như chiếc phao cứu sinh đối với các nhóm tìm kiếm. Nếu xác định được đúng đây là sóng phát ra hộp đen chiếc máy bay mất tích thì việc tìm ra và trục vớt được nó hoàn toàn nằm trong tầm tay, bởi nguồn sóng chính là tọa độ chính xác nhất điểm rơi của máy bay.
Thế nhưng nhiều chuyên gia tìm kiếm có kinh nghiệm lại cho là tín hiệu này chưa nói lên được điều gì, nó có thể được phát ra từ rất nhiều thiết bị khác trên biển. Chuyên gia cứu hộ biển John Noble trả lời hãng tin Sky rằng cuộc tìm kiếm gần như đang đi vào vô vọng. Ông nói: “Nếu trong mấy chục giờ đồng hồ còn lại chúng ta không xác định được tín hiệu nào khác thì sẽ mãi mãi không thể tìm được điều gì nữa với những kỹ thuật hiện có”. Trong lịch sử hàng không thế giới, cũng có nhiều vụ máy bay gặp nạn mà đến nhiều năm sau người ta mới tìm ra được dấu vết.
Hôm nay đã có đến 14 máy bay và 9 tàu lớn tham gia tìm kiếm, trong đó có một tàu ngầm hạt nhân Trafalgar tối tân.
Chính phủ Malaysia đã loan báo thông tin nước này sẽ phát động một cuộc điều tra quy mô lớn, có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều nước, để tìm ra nguyên nhân vụ việc. Bộ trưởng bộ giao thông vận tải, ông Hishammuddin Hussein, cho biết Australia, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp đã đồng ý tham gia vào cuộc điều tra này.
Theo ông Hishammuddin, sẽ có ba nhóm điều tra: nhóm "điều kiện cất cánh" rà soát hồ sơ bảo dưỡng chiếc máy bay, cấu trúc và hệ thống kỹ thuật của chiếc Boeing; nhóm "hoạt động bay" nghiên cứu hồ sơ ghi âm của chuyến bay, hành trình bay và các điều kiện thời tiết, khí tượng... ; nhóm thứ ba là "y tế và con người" xem xét các vấn đề tâm lý, bệnh lý, nhân thân... của hành khách và phi hành đoàn.
PD