Đã nghe đã thấy: Ngại

Ngại cũng là cảm giác khi phải nói ra những gì thầm kín, sâu lắng một cách công khai. Tâm lý thường trực của con người là như vậy. Dĩ nhiên cũng có những người không biết ngại, ăn nói bạt mạng bất chấp cả những thực tế khách quan. Như kiểu người ta đang nói việc xả thải xuống biển Hòn Cau là “nhận chìm” (đúng hơn phải nói là dìm).

Ấy là chưa kể người ta bảo cái được “nhận chìm” không phải là chất thải. Có quan chức còn bảo chỗ để “nhận chìm” 1 triệu tấn không phải là chất thải kia chỉ toàn cát. Nhưng mà có người lặn xuống cho thấy cái chỗ ấy không phải toàn là cát mà là hệ sinh thái có san hô, sinh vật biển bơi tung tăng. 

Những tưởng cái sự ngại ấy chỉ xảy ra trong các trường hợp kể trên. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Mới rồi, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, báo chí chỉ được dự năm phút đầu. Điều ấy là bất thường và được tổng thư ký Quốc hội giải thích: “Nhiều khi có anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết ý. Có những vấn đề bí mật nhà nước mà vô tình nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải. Vì vậy, quyết định này nhằm giúp các đại biểu (ĐB) thảo luận sâu, nói hết ý, kể cả vấn đề bí mật”.

Ừ thì cũng khó thật! Bởi không ít ĐB từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều ĐB vì đã phát biểu mà bị nọ bị kia. Một ĐB đề nghị không chấp nhận đơn tố cáo nặc danh, lập tức bị mạng xã hội lôi ra danh sách cả họ làm quan. Một ĐB dùng cụm từ “ở lâu, vào sâu, ra chậm” bị nói là không nghiêm túc. Nhưng cũng có ĐB chả nói gì vì ngại rằng những điều mình nói sẽ bị soi mói bởi cấp rất cao.

Thôi thì ai cũng là con người, cũng biết ngại ngùng, e thẹn, cũng bẽn lẽn. ĐB là con người, cũng có lúc “nhi nữ thường tình”, cũng ứ ừ mỗi lúc ấp e. Nhưng lẽ ra báo chí cần thêm nhiều lần năm phút.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm