Hiệp hội tôm lên tiếng vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát

Ngày 7-7, ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN&MT cùng UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp công bố các tài liệu liên quan, giới thiệu quy trình quan trắc của dự án đổ 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.

Theo đó Kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm 1 triệu m³ bùn do Sở TNMT tỉnh Bình Thuận soạn thảo, việc kiểm tra, giám sát nhằm chủ động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các vấn đề và sự cố môi trường. Dự thảo kế hoạch kiểm tra của Sở TN&MT Bình Thuận cho biết bắt đầu từ ngày 1-7 đến ngày 31-10-2017.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc  (ngồi bên trái người đang phát biểu) làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận sáng 7-7.

Cũng theo dự thảo, trong thời gian Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 tiến hành hoạt động nhận chìm bùn ở biển, các ngày trong tuần các thành viên Tổ công tác có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện, nắm thông tin và đánh giá tình hình thực hiện của các dự án. Định kỳ 2 tuần/lần tổ chức 1 đợt giám sát thực tế tại dự án, thời gian thực hiện do Tổ trưởng Tổ công tác quyết định. Hàng tháng tiến hành lấy mẫu, phân tích chất lượng nước biển và báo cáo kết quả các vị trí giám sát hoạt động nhận chìm ở biển và xung quanh của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Đối với Viện Hải dương học Nha Trang là đơn vị giám sát độc lập sẽ thiết lập các điểm quan trắc, thực hiện ba lần/ngày.

Cùng ngày tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp hội viên để đánh giá tình hình sản xuất, phát triển trong sáu tháng đầu năm. Được biết tôm giống Bình Thuận chủ yếu nuôi tại vùng biển Vĩnh Tân có chất lượng tốt nhất Việt Nam và cung cấp cho thị trường cả nước khoảng 25% sản lượng.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã lấy biểu quyết và thay mặt Hiệp hội kiến nghị ba vấn đề khi dự án nhấn chìm của Công ty TNHH Điện lực 1 thực hiện trên biển.

Cụ thể, trước khi thực hiện phải có quan trắc môi trường; khi triển khai kế hoạch giám sát phải có chương trình bồi thường, thống nhất các tiêu chí bồi thường; sau khi xảy ra sự cố chủ đầu tư phải cam kết là người trực tiếp bồi thường.

Theo một hội viên Hiệp hội Tôm Bình Thuận, việc cấp phép trước sau đó mới lấy ý kiến các ban ngành và đưa ra dự thảo giám sát không khác gì sự việc đã rồi, theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”.

“Đây hoàn toàn là quy trình ngược bởi lẽ ra những việc họp lấy ý kiến hay triển khai kế hoạch quan trắc, giám sát phải thực hiện trước khi ký giấy phép cho dự án nhấn chìm này”, ông Anh cho biết.

Cũng theo ông Anh, nếu xảy ra sự cố về môi trường biển thì ngoài việc bồi thường còn phải quan tâm đến người dân sống trong vùng dự án.

Chiều nay, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận sẽ đến Vĩnh Tân thị sát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm