Đời sống cư dân đặc khu sẽ như thế nào?

“Nghe tin có cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, chuẩn bị thành lập đặc khu hành chính-kinh tế Bắc Vân Phong, có cử tri huyện Vạn Ninh gọi điện thoại cho tôi. Họ nói nghe nói cư dân đặc khu phải là cư dân thông thái, vậy chúng tôi sẽ ở đâu, làm gì?”. Ông Lê Xuân Thân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, đặt vấn đề như vậy tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 26-9.

Dân ra vào đều phải có thị thực?

Cùng nội dung này, ông Nguyễn Tấn Thoại, Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), cũng thông tin: “Nghe tin chuẩn bị thành lập đặc khu, nhiều người dân băn khoăn là họ sẽ ở đâu, làm gì, ra vào đặc khu ra sao, an sinh xã hội, đời sống văn hóa, truyền thống trong đặc khu sẽ như thế nào… Nhiều cán bộ cũng tâm tư, chưa biết sẽ như thế nào khi đặc khu hoạt động”.

Trước sự tác động từ việc thành lập đặc khu đến đời sống, quyền lợi của hàng trăm ngàn người dân trên địa bàn, ông Thoại cho rằng cần có đánh giá tác động toàn diện các vấn đề của mô hình đặc khu cũng như Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Vân, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - địa phương giáp ranh với khu vực dự kiến thành lập đặc khu Bắc Vân Phong, cũng đưa ra thắc mắc: “Theo dự thảo, mọi người khi ra vào đặc khu đều phải có thị thực. Vậy người dân muốn vào đặc khu thăm người thân hay muốn về quê tảo mộ thì ra vào như thế nào? Việc đi lại hằng ngày của người dân trong vùng sẽ ra sao?”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (thứ hai từ phải qua) khảo sát khu vực dự kiến thành lập đặc khu Bắc Vân Phong. Ảnh: VĂN KỲ

Một số ý kiến cũng băn khoăn trong việc giải quyết đối với dân cư hiện nay khi thành lập đặc khu, nhất là đối với đặc khu Bắc Vân Phong, sẽ giữ lại người dân đang sinh sống ở khu vực này hay giải tỏa trắng…

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng cơ chế, chính sách trình trung ương để giải quyết các vấn đề về cư dân, cán bộ hiện tại khi thành lập, hoạt động theo mô hình đặc khu. Tôi đề nghị phải có cư dân tại chỗ của đặc khu. Tôi cho rằng các chính sách của đặc khu sẽ tác động tốt hơn đến đời sống dân cư, người dân trong đặc khu sẽ tích cực hòa nhập hơn. Đối với cán bộ hiện tại, đòi hỏi phải có trình độ tốt hơn để làm việc trong đặc khu. Tỉnh Khánh Hòa sẽ vận động, làm công tác tư tưởng để giải quyết chế độ chính sách số còn lại, đảm bảo ổn định”.

Giao quyền tối đa cho trưởng đặc khu

Phần lớn ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia đều ủng hộ phương án 1 trong dự thảo luật là tổ chức chính quyền địa phương của đặc khu gồm trưởng đặc khu và hội đồng đặc khu. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, phương án này giao rất nhiều quyền (128 quyền) cho trưởng đặc khu trong hầu hết lĩnh vực; trưởng đặc khu được tự quyết nhiều vấn đề.

Ông Lê Đức Vinh cho hay tỉnh Khánh Hòa thống nhất phương án tổ chức chính quyền trưởng đặc khu, không tổ chức HĐND tại đặc khu. “Đề nghị phân cấp cho trưởng đặc khu một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Việc tổ chức các cơ quan tư pháp phải tương ứng, phù hợp với cấp chính quyền. Các cơ quan quân sự, công an tổ chức theo các quy định riêng” - ông Vinh kiến nghị.

 Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có cơ quan kiểm soát quyền hạn, giám sát việc thực hiện quyền hạn của trưởng đặc khu. “Cần bàn thêm về cơ chế kiểm soát như thế nào để đảm bảo 128 quyền lực của đặc khu trưởng đúng theo hiến pháp, đảm bảo tinh gọn, phù hợp, không phiền hà, không lạm quyền” - ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt phải đảm bảo không trái với hiến pháp nước ta, phù hợp với các công ước mà Việt Nam là thành viên cũng như phù hợp với các quy định khác của luật pháp quốc tế. “Luật này cần có các quy định mang tính vượt trội, vượt trên các quy định của các luật hiện hành. Mục tiêu là để đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan tỏa, trở thành cực tăng trưởng của cả nước. Muốn vậy, phải tạo ra thể chế vượt trội với các chính sách đặc thù, trong đó có chính sách bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh bình đẳng, tạo dựng “sân chơi mới” hấp dẫn, minh bạch, ổn định, phù hợp tập quán quốc tế, mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh” - ông Lưu nhấn mạnh.

Huyện Vạn Ninh sẽ thành đặc khu Bắc Vân Phong?

Tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đang nghiên cứu xây dựng phương án thành lập đặc khu Bắc Vân Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích của huyện Vạn Ninh với khoảng 111.000 ha. Trong đó có 56.000 ha mặt đất, còn lại là mặt nước với dân số hơn 131.000 người. Trước đó, tỉnh Khánh Hòa trình trung ương xem xét phương án tổng diện tích đặc khu chỉ 66.000 ha với bảy đơn vị hành chính xã, thị trấn. Dự kiến tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp thiết cho đặc khu này gần 11.000 tỉ đồng. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang thuê đơn vị nước ngoài tư vấn lập quy hoạch tổng thể.

Theo ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, hiện trong khu vực dự kiến thành lập đặc khu có 30 dự án đang hoạt động. Mới đây, một tập đoàn lớn đã đặt vấn đề đầu tư tại đây.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy