Trước thềm diễn đàn này, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng Ban điều phối các tỉnh duyên hải miền Trung, đã ký báo cáo kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một loạt cơ chế, chính sách đặc biệt cho vùng duyên hải miền Trung.
Theo đó, Ban điều phối các tỉnh duyên hải miền Trung đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì cũng các tỉnh, thành trong vùng rà soát lại quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng của vùng theo hướng làm rõ theo chức năng, không chồng chéo, không xung đột lợi ích để không đầu tư dàn trải, phân tán về nguồn lực.
Ban đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng. Đây là tuyến đường chiến lược về kinh tế và quốc phòng, gắn với con đường này sẽ quy hoạch xây dựng các đô thị ven biển, hình thành mặt tiền của đất nước.
Để thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian nhanh nhất, ban đề nghị Chính phủ xem xét, phân bổ tỉ lệ “vốn mồi”, số tiền đầu tư còn lại chủ yếu huy động bằng cơ chế, trong đó có chính sách khai thác quỹ đất đô thị. Đồng thời cần nghiên cứu chính sách đất đai và thuế đặc biệt ưu đãi để phát triển các đô thị trong các khu kinh tế ven biển, có thể nghiên cứu một số chính sách phù hợp sẽ áp dụng trong các đặc khu hành chính-kinh tế.
Đáng chú ý ban đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc xây dựng thể chế các đặc khu hành chính-kinh tế (trong đó có khu Bắc Vân Phong) thực sự vượt trội, khả dĩ có thể cạnh tranh với các đặc khu kinh tế khác ở khu vực châu Á. Điều này sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, tạo sự phát triển lan tỏa cho các khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đồng thời tạo ra cơ hội để liên kết phát triển cả vùng.
Ban điều phối các tỉnh duyên hải miền Trung cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế của vùng. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn vùng có năm khu kinh tế ven biển với diện tích quy hoạch 152.000 ha nhưng chưa được khai thác đáng kể. Vì vậy ban đề nghị Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong vùng và các bộ, ngành rà soát quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tại vùng trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh. Đồng thời quy hoạch các phân khu chức năng của từng khu kinh tế cho phù hợp với khả năng thu hút đầu tư cũng như không trùng lắp với chức năng của các khu kinh tế khác, giúp việc tập trung nguồn lực vào các mục tiêu mũi nhọn của từng khu kinh tế, giảm bớt tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các khu kinh tế trong vùng.
Ban điều phối này cũng đề nghị nghiên cứu ban hành luật về khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phân cấp mạnh. Ban quản lý khu kinh tế phải thực sự là nơi cung cấp “dịch vụ hành chính một cửa”.
Cùng đó, ban kiến nghị Thủ tướng xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển khu kinh tế trọng điểm về công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến sản phẩm từ dầu mỏ trên cơ sở rà soát và quy hoạch lại Khu kinh tế Dung Quất và Chu Lai.
Xây dựng quy chế đặc thù phát triển vùng kinh tế Chu Lai - Dung Quất làm trung tâm công nghiệp - cảng biển - đô thị biển của vùng duyên hải miền Trung. Cần gắn kết hai khu này trong tổng thể phát triển, không bị chia cắt bởi hành chính địa phương.
Báo cáo cũng kiến nghị ưu tiên xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá của vùng (ở Khánh Hòa) và tạo điều kiện để xây dựng một số cảng cá địa phương, tổ chức lại đời sống của ngư dân ở các làng chài.