Khắc phục 'sự chia cắt' ở vùng duyên hải miền Trung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” diễn ra tại TP Đà Nẵng vào sáng nay (25-9).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh về việc phân phối lợi ích, cơ chế đặc biệt cho vùng duyên hải miền Trung. Ảnh: TÂM AN

Diễn đàn ngoài sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn có sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh duyên hải miền Trung, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế và gần 500 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đồng thời tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước, khắc phục tình trạng phát triển trùng giẫm, manh mún, kém hiệu quả.

“Không thể phát triển kinh tế nếu không gian kinh tế bị chia cắt bởi ranh giới hành chính” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho hay thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, các địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước.  

Theo Phó Thủ tướng, động lực của liên kết trước hết là lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định thế nào là động lực liên kết? Trong đó lợi thế so sánh của từng địa phương phải được tôn trọng và phát huy, không chỉ vì bản thân tỉnh đó mà vì lợi ích chung cả vùng, cao hơn là cả nước. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt ra các câu hỏi cho lãnh đạo vùng duyên hải bài toán về phân bổ lợi ích của từng địa phương và lợi ích vùng.

Bộ Chính trị yêu cầu điều chỉnh dần cơ chế xây dựng ngân sách nhà nước theo quan điểm phát triển vùng và theo cơ sở dữ liệu về kinh tế-xã hội của từng địa phương. Bởi có địa phương tăng trưởng nhanh nhưng có địa phương mức tăng trưởng bình thường. Do đó khi phân bổ về ngân sách hay nguồn lực phải nhìn tổng thể cả vùng sau đó mới đến địa phương.

Về đề xuất xây dựng cơ chế hành chính đặc biệt cho vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng xây dựng cơ chế đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để thử nghiệm thể chế cần thiết, tạo ra cực tăng trưởng có tính lan tỏa cho vùng. 

Hiện nay, Chính phủ, Trung ương chỉ đạo đệ trình Quốc hội dự án về luật các khu kinh tế hành chính đặc biệt, miền Trung có Bắc Vân Phong của Khánh Hòa. 

13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngoài vùng còn có bốn tiểu vùng để bàn câu chuyện hợp tác với nhau, Thủ tướng đã đồng ý gồm: Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau. Đó là những tiểu vùng nằm trong một vùng tự liên kết lại. 

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới cần tiếp tục nhận thức đánh giá tiềm năng lợi thế cơ hội thách thức của miền Trung trong điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng năng suất lao động, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung nằm trục giao thông chính Bắc-Nam đường sắt, hàng không có ý nghĩa chiến lược, quan hệ chặt chẽ Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. 

Chủ trương của Bộ Chính trị trong nghị quyết về phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn, trong đó miền Trung là trọng điểm của trọng điểm. Cơ cấu kinh tế của miền Trung 40% là du lịch và dịch vụ, nông nghiệp từ chiếm 28% còn 15%-16% cả nước.

“Vùng miền Trung phát triển theo hướng hiện đại, không gian đô thị gắn với biển. Khu Chu Lai, Quy Nhơn phải trở thành trung tâm du lịch thương mại. Vấn đề này chúng ta tiếp tục nhận thức như thế nào? Có vấn đề gì điều chỉnh không?” - ông Huệ nói.

Về vấn đề thể chế điều phối kinh tế vùng, theo Phó Thủ tướng, chúng ta không có chính quyền cấp vùng nhưng liên kết vùng, các địa phương của vùng, vùng này với vùng khác là quan trọng. Muốn liên kết tốt phải có dàn nhạc, trong dàn nhạc đó có nhạc trưởng, chỉ có điều không có chính quyền cấp vùng nên phải tính toán kỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm