Đi tìm 'nhạc trưởng' cho vùng kinh tế miền Trung

Chiều 9-11, tại Đà Nẵng, Hội đồng điều phối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế tới Bình Định đã tổ chức hội thảo “Liên kết xây dựng hệ thống và trung tâm logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.

Chi phí cao bất thường so với thế giới

Tại hội thảo này, PGS Trần Đình Thiên nhận định đây là vùng bàn nhiều nhất, tập trung nhất về liên kết phát triển vùng. Tuy nhiên, cho đến bây giờ chi phí logistics của Việt Nam và của vùng là cao bất thường so với thế giới.

“Vì vậy, đến bây giờ mà không bàn tới vấn đề này thì tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có vấn đề” - PGS Thiên nói.

Theo PGS Thiên, thời gian tới ở miền Trung thì logistics đóng vai trò quan trọng. “Nếu giải quyết được các vấn đề bất cập, khó khăn của logistics miền Trung hiện nay thì sẽ giải quyết cho cả nước. Bởi miền Trung có vị trí hết sức đặc biệt” - PGS Thiên nhận định.

PGS Trần Đình Thiên góp ý cho miền Trung. Ảnh: LÊ PHI

PGS Thiên cũng cho rằng logistics là lĩnh vực khá đặc biệt và mới ở Việt Nam. Miền Trung có lợi thế trong lĩnh vực này nhưng chưa được phát huy và hiện tại chi phí cho logistics chiếm rất lớn trong GDP.

Đặc biệt, PGS Thiên đặt câu hỏi lớn: "Thể chế để phát triển logistics sẽ như thế nào?".

Cần "nhạc trưởng"?

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch lại cho rằng ai sẽ là nhạc trưởng của vùng để xây dựng trung tâm logistics cho miền Trung? Theo TS Lịch, vị nhạc trưởng này phải là Chính phủ, địa phương chủ lực hoặc một doanh nghiệp lớn.

“Mỗi năm dịch vụ logistics thu về hàng chục tỉ USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước có cả ngàn đơn vị nhưng doanh thu chỉ trên 10%, còn doanh nghiệp nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng chiếm tới 85% doanh thu” - TS Lịch nêu ra một thực trạng khá trớ trêu.

Ông Lê Duy Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam) thì cho biết theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới cung cấp thì chi phí cho logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 20,5% GDP.

Vẫn chưa tìm ra được "nhạc trưởng" cho phát triển logistics vùng trọng điểm miền Trung. Ảnh: LÊ PHI

Góp ý cho các tỉnh miền Trung, PGS Bùi Tất Thắng (Bộ KH&ĐT) cho rằng để xây dựng và phát triển lĩnh vực logistics tại miền Trung thì khởi đầu khó khăn nhưng có thể tập hợp các nhà chuyên môn với sự đỡ đầu của Hội đồng điều phối vùng để làm từng bước.

PGS Thắng cho rằng: “Nhạc trưởng đầu tiên khởi động việc này phải là Nhà nước, có thể là Nhà nước trung ương hoặc Ban Điều phối miền Trung”.

Thiếu cả cơ chế lẫn nhân lực

GS Đặng Đình Đào (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại nhận định miền Trung chưa tạo dựng, phát triển được hạ tầng cho logistics. “Chúng ta có đường, có sân bay, có cảng biển… nhưng để kết nối thúc đẩy thương mại thì chưa làm được, chỉ mới kết nối riêng lẻ. Để phát triển logistics, ngoài đường quốc lộ thì Chính phủ cần xây dựng thêm các đường gom để tránh tình trạng cắt ngang hệ thống giao thông giành cho logistics” - GS Đào phân tích. 

Đáng lo ngại, theo GS Đào, nếu cứ để việc xây dựng thêm các trạm thu phí, BOT thì với chi phí phải gồng gánh sẽ khiến lĩnh vực logistics khó phát triển và không có hiệu quả. Ngoài ra, việc phát triển vận chuyển theo hành lang kinh tế Đông-Tây chưa như mong đợi, lượng hàng hóa qua lại còn rất nhỏ. Bên cạnh đó hệ thống đường sá của Việt Nam cũng kém hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào.

Về vấn đề nhân lực cho lĩnh vực logistics, GS Trần Văn Nam (ĐH Đà Nẵng) cho hay hiện số lượng các trường đào tạo về logistics rất ít. “Hiện chỉ có khoảng 10 trường đào tạo, với khoảng 1.500 sinh viên theo học. Số lượng nhân lực như vậy là rất ít, mỏng. Hiện nhân lực cho logistics đang thiếu trầm trọng về số lượng và chất lượng” - GS Nam cảnh báo.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (kiêm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) cũng nhìn nhận: “Vùng phát triển thì chưa bền vững, còn chồng chéo trong chiến lược phát triển, tình trạng đầu tư trùng lắp chưa hoàn toàn được khắc phục, hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ (đặc biệt là hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên vùng), vấn đề ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế… và chưa hình thành được sản phẩm chủ lực, thương hiệu sản phẩm đặc trưng của toàn vùng”. 

Theo Hiệp hội Các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals - CSCMP) thì thuật ngữ này được định nghĩa khá đầy đủ như sau:

“Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung-cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm