Sáng qua (11-9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Điểm đáng chú ý của dự luật này là mô hình tổ chức chính quyền của các đơn vị HCKTĐB.
Không tổ chức HĐND và UBND
Cụ thể, về bộ máy nhà nước tại các đặc khu, Chính phủ đề nghị không tổ chức HĐND và UBND mà đứng đầu là trưởng đơn vị HCKTĐB có chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Trưởng đơn vị HCKTĐB có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc và được phân quyền tối đa trong nhiều lĩnh vực. Chức danh này, theo dự luật, do Thủ tướng bổ nhiệm và miễn nhiệm.
Trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay có ý kiến đồng tình với dự thảo luật nhưng cần quy định trưởng đơn vị HCKTĐB là đại diện của chính quyền cấp tỉnh tại các đặc khu thì sẽ phù hợp với hiến pháp.
Loại ý kiến khác thì băn khoăn đối với việc không tổ chức HĐND, UBND tại đặc khu. Theo đó, vì đây là một đơn vị hành chính và do đó phải có chính quyền địa phương “của mình” chứ không thể giao chính quyền cấp tỉnh kiêm nhiệm. Hơn nữa, trưởng đơn vị HCKTĐB lại không do dân bầu mà gián tiếp bổ nhiệm liệu có đảm bảo tính pháp lý.
“Dự thảo luật chỉ quy định vượt trội về giao thẩm quyền mà không vượt trội về cơ chế giám sát, không làm rõ được phương thức thực thi quyền lực của người giữ chức danh này là không bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, cũng như chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của hiến pháp về kiểm soát quyền lực” - ông Định nói.
Đã là đơn vị đặc biệt thì phải... “đặc biệt”
Cho ý kiến vào dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt ủng hộ việc trao quyền cho trưởng đặc khu nhưng quy định rõ người này được làm gì, không được làm gì, trách nhiệm ra sao. “Nếu lập bộ máy đầy đủ mà không cải tiến, cải tổ thì lại quay về như cũ, không có gì là “đặc biệt”. Vì vậy việc tổ chức chính quyền địa phương tại các đặc khu phải tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Đồng thời cũng phải nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế giám sát để loại trừ việc “ông một mình che cả bầu trời”, ông Việt nói và đề nghị việc lập bộ máy tại các đặc khu phải tránh được tình trạng trì trệ, “thay vỏ nhưng không thay ruột”.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển thì lưu ý phải cải cách cơ chế thủ tục hành chính, làm sao giảm được chi phí nhà đầu tư bỏ ra mà người ta gọi là “tiêu phí”, “lãng phí”, “khoản chi phi truyền thống”. Cùng với đó là bộ máy phải vô cùng gọn nhẹ. Theo đó, một người có nhiều quyền hạn nhưng việc kiểm soát quyền lực cũng phải đặc biệt để anh hành động vì lợi ích quốc gia chứ không lồng lợi ích cá nhân.
“Cá nhân tôi thấy nếu trực thuộc cấp tỉnh thì lại thành khu kinh tế như ngày xưa thôi. Theo tôi nên trực thuộc trung ương” - ông Hiển nói.
Cùng nội dung, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quy định phải có tính đột phá, vượt trội thì mới “đặc biệt”, mới tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Cùng đó là một bộ máy đủ quyền lực để thực hiện nhiệm vụ.
“Quy định của luật này có thể khác nhưng không thể trái hiến pháp và phải cụ thể hóa, quán triệt chủ trương của Đảng về vấn đề này” - Chủ tịch QH nói, đồng thời đề nghị tiếp tục lấy ý kiến, nghiên cứu về quy định liên quan mô hình tổ chức chính quyền. Và nếu cần có thể sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tạo sự đột phá trong Luật Đơn vị HCKTĐB.
Nhà đầu tư có thể thuê đất đến gần 100 năm Trình bày tờ trình về dự luật, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay mục tiêu của dự luật nhằm đưa ra cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị đặc biệt nói trên. Đồng thời giúp hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài. “Đặc biệt, tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính…” - ông Dũng nói. Về chính sách phát triển kinh tế, dự luật đưa ra sáu nhóm tiêu chí ưu đãi cao hơn, đặc biệt hơn như: Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi, trong đó chú trọng đơn giản tối đa các thủ tục hành chính; mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở. Cụ thể hơn như nhà đầu tư có thể thuê đất đến 99 năm; quy định chính sách huy động các nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực tư nhân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Cùng đó là xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn, giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước hấp dẫn, vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới để thu hút các nhà đầu tư chiến lược và đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển... thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. |