Diễn đàn lần này do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ chủ trì.
TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn Ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung, cho rằng: “Suốt nhiều năm chúng tôi theo dõi thì thế mạnh trọng điểm của vùng là gì. Đó chính là “mạnh ai nấy làm”mà không hề có một sự liên kết nào cả?”.
Theo đó, chỉ đến ngày 15-7-2011, khi lãnh đạo bảy tỉnh miền Trung ngồi lại với nhau thì từ đây mới mở ra được hướng nhìn chung cho miền Trung để cùng nhau phát triển. Các địa phương đã chịu ngồi lại với nhau để liên kết và kết nạp thêm các địa phương mới với mục tiêu chung. “Lịch sử 500 năm của vùng đất này, các địa phương chưa từng ngồi lại với nhau đến nơi đến chốn. Nay phải ngồi lại để cùng thắng chứ chẳng có ai thua ở đây cả”, TS Trần Du lịch, cho biết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn kinh tế miền Trung. LÊ PHI.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, miền Trung là một vùng kinh tế có nhiều tiềm năng về kinh tế biển, du lịch. Tuy nhiên, khu vực miền Trung vẫn chưa được đánh thức, còn kém phát triển và còn rất nhiều khó khăn. “Có nhiều ý kiến cho rằng miền Trung có quá nhiều sân bay, cảng biển. Nhưng đây hầu hết là sân bay, cảng biển đã cũ và đã được đầu tư từ lâu. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn vùng có rất cao chiếm tới 17% so với chỉ gần 8% bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn rất chậm, tỷ lệ nông nghiệp vẫn chiếm tới 25% so với cả nước chỉ 18,4%. Ngoài ra, nền kinh tế của miền Trung vẫn chưa đủ để tích lũy, đầu tư chưa cao, giao thông vận tải để liên kết toàn vùng còn yếu, cảng biển sân bay chưa đủ tầm cỡ, chưa được đầu tư đúng mức”, Phó thủ tướng Phúc cho biết.
Cũng theo Phó Thủ tướng, với sự nổi lên của Trung Quốc trong thời gian qua để tạo vị trí cường quốc mới trên bàn cờ quốc tế bằng các hành động gây tranh chấp trên biển Đông, xâm phạm vùng biển của chúng ta thực sự là thách thức lớn cho việc phát triển kinh tế. Đó cũng chính là thách thức của miền Trung.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, bên cạnh sự nổ lực của chính chính quyền các tỉnh miền Trung thì các bộ ngành trung ương, các tổ chức kinh tế cũng cần hỗ trợ để vùng phát triển bắt kịp sự phát triển chung của cả nước.