Hai người nhiễm Zika sống tại TP.HCM và Khánh Hòa

Theo Bộ Y tế, kết quả đến ngày 4-4, các viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur đã xét nghiệm hơn 1.200 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự nhiễm virus Zika tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó đã phát hiện hai trường hợp dương tính với virus Zika tại tỉnh Khánh Hòa và TP.HCM.

Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nữ, 64 tuổi, cư trú tại phường Phước Hòa, TP Nha Trang, khởi phát từ ngày 26-3 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Bệnh nhân tại Khánh Hòa hiện cư trú tại địa phương, không di chuyển. Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai khoanh vùng dịch.

Hai trường hợp đầu tiên tại Việt Nam nhiễm Zika được cho là do muỗi Aedes lan truyền virus. Ảnh minh họa

Xét nghiệm ngày 31-3 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với virus Zika, xác định khẳng định lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur TP.HCM ngày 4-4 đều cho kết quả dương tính với virus Zika.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM, khởi phát ngày 29-3 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi. Bệnh nhân này có thai tám tuần, chồng đang làm việc tại Malaysia, có về Việt Nam trước đó nhưng không có biểu hiện gì. Kết quả xét nghiệm với con gái của hai người cho kết quả âm tính.

Kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika. Hiện sức khỏe hai bệnh nhân cũng đã ổn định.

Trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ xuống kiểm tra trực tiếp ổ dịch tại TP.HCM. Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ xuống kiểm tra ổ dịch tại Khánh Hòa. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hai trường hợp nhiễm virus Zika nói trên tạm kết luận do muỗi Aedes lan truyền chứ không phải lây lan qua đường tình dục hay các trường hợp khác.

Cũng theo ông Long, không phải tất cả các trường hợp nhiễm virus Zika đều liên quan đến chứng đầu nhỏ ở trẻ mà chỉ là mối tiềm ẩn, có nguy cơ cao. “Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không phải cứ mắc virus Zika là măc chứng đầu nhỏ”. Chỉ những bà mẹ mang thai ba tháng đầu ở vùng có dịch, có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus Zika mới đến các cơ sở làm xét nghiệm.

Bộ Y tế khuyến cáo không hạn chế việc đi lại, chỉ trừ trường hợp phụ nữ có thai hạn chế đi đến vùng có ổ dịch. “Chúng ta không quá lo lắng vấn đề về Zika,. Bản thân bệnh này nhẹ hơn sốt xuất huyết, 80% là có triệu chứng nhẹ, tự khỏi”. Riêng phụ nữ mang thai trước khi đến vùng có dịch cần cân nhắc”- Thứ trưởng Long nói.

Trước đó, chiều ngày 30-3,  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và 3 điểm cầu tại Viện Pasteur Tp.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã quyết định nâng mức cảnh báo bệnh dịch do vi rút Zika ở Việt Nam lên mức 2.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cũng khẳng định, bốn trường hợp tại Khánh Hòa được cho là nhiễm virus Zika trước đó do có kết  xét nghiệm dương tính với virus Zika không thuộc trường hợp này. Lý do dẫn tới nhầm lẫn là do cơ sở xét nghiệm tại Khánh Hòa đã nhầm mẫu bệnh phẩm. Hiện xét nghiệm xác định lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho kết quả bốn trường hợp trên không nhiễm virus zika.

Riêng hai trường hợp mới bị bệnh nói trên là mới mắc virus Zika vào cuối tháng 3, đến ngày hôm qua mới có xét nghiệm chéo giữa các Viện.

Muỗi Aedes Aegypti là loại muỗi rất nhỏ, còn gọi là muỗi vằn do chúng có vằn đen trắng quanh các chi. Chúng là tác nhân lây lan virus gây bệnh sốt xuất huyết (sốt Dengue), Chikungunya, sốt vàng da và cả Zika… Chúng có thể đốt người vào sáng sớm và chiều tối mà không gây đau và không có nọc độc.

Trước đó, muỗi Aedes thường chỉ sống trong rừng và hút máu các sinh vật máu nóng. Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu cũng không biết chính xác thời điểm nào chúng đã phát triển và chuyển sang chỉ hút máu người.

Biện pháp hạn chế muỗi sinh sôi

- Nếu trong nhà bạn có nhiều thùng nước mưa, hãy xử lý bằng một sản phẩm không độc hại được sản xuất để tiêu diệt ấu trùng muỗi.

- Khoan lỗ trong thùng rác để tránh đọng nước.

- Tháo nước và rửa sạch các bình chứa nước 5 ngày/lần để ngăn chặn trứng muỗi nở.

- Nếu bạn có chậu cây cảnh, vệ sinh và làm khô chậu ít nhất 1 lần/tuần.

- Muỗi Aedes thích hút máu ở khu vực đầu gối, khuỷu tay, do vậy bạn nên mặc quần áo dài và đi tất.

- Sử dụng thuốc chống muỗi, đặc biệt có chứa các thành phần DEET.

 T. Hương (tổng hợp)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm