Quy tắc ứng xử công vụ: Đâu là cốt lõi?

Pháp Luật TP.HCMtrân trọng giới thiệu bài phân tích của PGS-TS Huỳnh Văn Thới, Học viện Hành chính Quốc gia Cơ sở TP.HCM, xung quanh vấn đề này.

Bộ quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử công vụ là hệ thống quy phạm đạo đức, nghĩa vụ và yêu cầu tận tâm trong ứng xử công vụ của công chức, được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc đạo đức, các quy phạm xã hội được thừa nhận chung và pháp luật của Nhà nước. Đó là sự dung hòa của pháp lý và luân lý để trở thành đạo lý.

Chức vụ không phải là vai diễn

PGS-TS Huỳnh Văn Thới

Thực tế ở nước ta cho thấy việc ban hành các quy tắc ứng xử nở rộ, thế nhưng những gì chúng mang lại chưa thật sự như mong đợi. Đáng chú ý, các quy tắc ứng xử chưa tập trung đúng mức vào cốt lõi của vấn đề là hệ thống giá trị công vụ, nguyên tắc, nền tảng đạo đức công, ngăn ngừa lạm quyền, tránh và triệt tiêu xung đột lợi ích, mà thường chú ý hơn đến hình thức như bày biện, xưng hô, trang phục. Các cơ quan ban hành các quy tắc nghiêng về nghi thức hành chính và thường liệt kê mang tính chất tập hợp lại những gì công chức phải làm, không được làm từ quy định của pháp luật hiện hành.

Hành vi ứng xử, cung cách, lời lẽ, trang phục là những biểu hiện bên ngoài của văn hóa công vụ. Cốt lõi của vấn đề nằm ở bên trong, từ tâm thức của công chức, từ những lĩnh hội về thiên chức phụng sự nhân dân, từ những nguyên tắc công vụ được xác định một cách hệ thống mà công chức khi được tuyển dụng phải quán triệt như là yêu cầu tiên quyết. Chỉ khi nào trong tâm thức của công chức, việc lĩnh hội những nguyên tắc chung của công vụ thẩm thấu như lẽ đương nhiên thì những biểu hiện bên ngoài của văn hóa công vụ của công chức mới thật sự tự nguyện, chứ không phải bó buộc.

Chức vụ không phải là vai diễn, mà công chức không như một nghệ sĩ phải làm cho tròn vai. Chức vụ là sứ mệnh cao quý mà nhân dân ủy thác cho họ để thực thi vì phúc lợi của nhân dân. Công vụ phụng sự có được từ động lực công vụ (public service motivation) và tác động đến hành vi tự nguyện. Nếu không có sự tự nguyện từ tận tâm thì những quy định của pháp luật mới chỉ buộc công chức phải đồng hành, chứ chưa làm cho họ hứng khởi mà sánh bước.

Loại trừ xung đột lợi ích

Vậy, vấn đề hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử công vụ cần tiếp cận như thế nào?

Thứ nhất, cần xác định đúng đắn mục đích, bản chất của bộ quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử. Trước hết, xuất phát từ bản chất của công vụ là phụng sự công ích, phục vụ nhân dân để loại trừ mâu thuẫn giữa công ích và tư lợi. Văn hóa công vụ phải được hình thành từ triết lý minh định để tạo ra một môi trường lành mạnh, trong đó công chức ý thức được mỗi một chức vụ là sự tín nhiệm, giao phó nghĩa vụ hành động vì lợi ích quốc gia. Cho nên công chức nhà nước phải trung thành tuyệt đối lợi ích quốc gia, phải chí công, vô tư.

Để làm được điều đó, quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử công vụ của công chức phải đi theo hướng: Một là thể chế hóa đầy đủ giá trị về hành chính phụng sự nhân dân. Hai là ngăn chặn tất cả khả năng, cho dù là hiện hữu, hoặc tiềm ẩn, hay có thể dẫn tới quyền lợi cá nhân, loại trừ mọi nguy cơ xung đột lợi ích, mâu thuẫn giữa công ích và tư lợi.

TP.HCM đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. Trong ảnh: Nhân viên Bảo hiểm xã hội TP.HCM hướng dẫn người dân làm các thủ tục về bảo hiểm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Xung đột lợi ích là một trong những nội dung chính của bộ quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử công vụ. Thiếu những quy định về xác định trường hợp xung đột lợi ích, về ngăn ngừa, về cách thức ứng xử của công chức trong trường hợp xung đột lợi ích đối với bản thân hay đối với người khác thì xem như bộ quy tắc chưa giải quyết được mục đích chính mà nó phải đạt được.

Thứ hai, xây dựng, ban hành bộ quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử công vụ mẫu (trước mắt có thể dưới hình thức pháp lệnh, hướng tới nâng lên thành luật). Cùng với đó, thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử công vụ, không tách ra thành quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức nghề nghiệp như quy định của pháp luật hiện hành và cách làm trong thực tế hiện nay. Đồng thời xác định lại thẩm quyền ban hành các bộ quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử công vụ cụ thể hóa bộ quy tắc mẫu, tránh tình trạng ban hành quá nhiều quy tắc ứng xử có tính sao chụp, phong trào.

Thứ ba, bảo đảm tính khả thi của bộ quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử trong công vụ. Theo đó, bộ quy tắc phải mang tầm chiến lược, dùng làm kim chỉ nam cho hoạt động công vụ. Đồng thời, bộ quy tắc phải cụ thể để dùng làm chỉ dẫn hành động hằng ngày cho công chức trong những tình huống cụ thể. Đương nhiên, bộ quy tắc càng bao quát những tình huống càng có chất lượng. Nhưng bộ quy tắc không thể bao quát tất cả tình huống trong thực tế. Vấn đề là phân công bộ phận chuyên trách theo dõi, hướng dẫn, giải đáp và tập hợp điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện. Bộ quy tắc đưa ra hướng để công chức tự vấn và xác định nơi để vấn đáp.

Đồng thời phải gắn việc tuân thủ, thực hiện bộ quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử công vụ với công tác quản lý, đào tạo công chức.

Cuối tháng 12 sẽ ban hành quy tắc ứng xử công vụ

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt kết luận của chủ tịch UBND TP về ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. Theo đó, chủ tịch UBND TP giao Sở Nội vụ hoàn chỉnh dự thảo trình UBND TP, trên cơ sở đó sẽ trình ký ban hành trước ngày 25-12.

Trong kết luận này, chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo thống nhất bỏ quy định “cấm công chức mặc quần jean, áo thun đi làm” trong dự thảo tờ trình của Sở Nội vụ trình UBND TP hồi tháng 10.

Dự thảo này đưa ra nhiều quy định đáng chú ý, như quy định trong giờ làm việc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không được đeo tai nghe, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân; không được truy cập các trang mạng có nội dung không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không thờ cúng trong phòng làm việc. Cũng theo dự thảo thì cán bộ, công chức phải có tác phong làm việc nghiêm túc, thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp. Sử dụng ngôn ngữ phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng...

TTH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy