Mới đây (ngày 1-9), UBND TP Cần Thơ ký quyết định ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi chung là CBCC) trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của TP Cần Thơ (quy tắc). Đây là lần đầu tiên Cần Thơ ban hành quy tắc này và nhận được sự đồng thuận cao từ các đơn vị cơ sở lẫn người dân.
Bảy điều CBCC phải làm
Theo nội dung quy tắc, có bảy mục việc CBCC phải làm. Đơn cử như trong giao tiếp ứng xử, CBCC phải ân cần, niềm nở, biết lắng nghe, hướng dẫn tận tình, ưu tiên giải quyết công việc với người già yếu, bệnh tật, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, sử dụng các từ “xin chào”, “xin lỗi”, “cảm ơn” trong các ngữ cảnh phù hợp.
Có 10 việc - nhóm việc CBCC không được làm như không được hút thuốc lá nơi công sở; không sử dụng đồ uống có cồn; quảng cáo, mời gọi để mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ có tính chất kinh doanh… trong giờ làm việc.
Một nội dung đáng chú ý là quy định về trang phục. Theo đó, khi làm việc tại công sở, trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ (trường hợp không có quy định đồng phục) phải gọn gàng, lịch sự, kín đáo; không mặc quần jean, áo thun các loại kể cả nam và nữ.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: “Trong bốn lần gửi dự thảo xin ý kiến đến 20 sở/ngành, chín quận/huyện trên địa bàn TP, không có đơn vị nào có ý kiến phản bác quy định về trang phục. Có 12 lượt ý kiến góp ý về các nội dung khác. Từ căn cứ đó, Sở tham mưu để TP ban hành bộ quy tắc này” - ông Ba nói.
Theo ông Ba, quy tắc ban hành hết sức khắt khe nhằm định hướng chuẩn mực đạo đức, tác phong, ứng xử, lề lối làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ CBCC.
Cán bộ bộ phận một cửa quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) giải thích thủ tục cho người dân khi đến giao dịch. Ảnh: NN
CBCC và người dân đều đồng tình
Bà Trần Thị Luyến, Chánh Văn phòng UBND quận Ninh Kiều, cho biết UBND quận đã thực hiện quy định CBCC không mặc quần jean, áo thun trong giờ làm việc từ rất lâu. Theo chuyên viên Hồ Thị Hoàng Anh (Phòng Nội vụ quận Ninh Kiều), trang phục của chị và các đồng nghiệp nữ hằng ngày gồm áo dài, quần tây, áo sơ mi và đầm công sở. Tùy hoàn cảnh mà các chị sử dụng cho phù hợp. Lịch sự, chuẩn mực là một nét đẹp cần có đối với đội ngũ CBCC và nó thể hiện trước hết qua trang phục.
Còn ông Trần Hoàng Tuấn, một CBCC của huyện Phong Điền, nhận định quy tắc này là phù hợp vì CBCC thường xuyên tiếp xúc công việc với người dân nên trang phục phải thể hiện sự chuyên nghiệp, lịch sự. Theo ông Tuấn, quy chế về trang phục sẽ thể hiện sự văn minh, quy chuẩn của cơ quan nhà nước.
Phía người dân cũng rất hồ hởi trước các quy định mới. Ông Dư Tỳ Kía (quận Ninh Kiều) cho rằng việc ban hành quy tắc này là rất cần thiết bởi CBCC đại diện cơ quan nhà nước làm việc với người dân thì trang phục phải lịch sự, thể hiện sự trang trọng, không mặc áo thun, quần jean ở công sở là đúng đắn. Nếu có quy định đồng phục thì sẽ càng đẹp mắt, thống nhất và chỉn chu hơn.
Ông cũng rất vui vì thái độ tiếp dân của các cơ quan nhà nước gần đây rất tốt. “Một lần tôi đi vào bộ phận một cửa, đông quá nên anh công chức nói rất nhẹ nhàng là hồ sơ nhiều quá, chú thông cảm ngồi chờ. Nghe vậy tôi rất hài lòng. Hy vọng chuyện này sẽ được nhân rộng hơn nữa sau khi bộ quy tắc được ban hành”.
Trang phục công chức ở các nước Tại Ấn Độ, chính quyền quy định công chức phải ăn mặc phù hợp, trang trọng với màu sắc trang nhã. Trong khi đó, chính quyền Philippines quy định trang phục của công chức chỉ cần phù hợp, giản dị. Trang phục đặc thù của công chức Philippines là barongs (áo sơ mi dài tay, không thắt cà vạt). Các quan chức thường mặc áo sơ mi trắng, không cần áo khoác. Nhật Bản vốn nổi tiếng với trang phục trang trọng, nghiêm túc. Đa số cơ quan đều yêu cầu nhân viên mặc áo sơ mi trắng, vest tối màu, thắt cà vạt. Tuy nhiên, Bộ Môi trường Nhật Bản từng cho phép nhân viên diện trang phục mát mẻ trong mùa hè để thực hiện chiến dịch tiết kiệm năng lượng. Tại Canada, mỗi cơ quan có quy định trang phục khác nhau. Nhìn chung công chức đều diện trang phục lịch sự như áo sơ mi, vest. NHI NGÔ |