Tăng tuổi nghỉ hưu, quan chức không được tại vị

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, 60 tuổi về hưu là hợp lý, tuy nhiên đối với những cán bộ lãnh đạo có năng lực chuyên môn tốt thì cần tận dụng nguồn nhân lực này nhưng vẫn tạo cơ hội cho người trẻ.

“Việc tính toán tăng tuổi nghỉ hưu phải đi theo con đường kéo dài thời gian công tác nhưng thôi giữ chức vụ lãnh đạo. Giám đốc, hiệu trưởng nếu có năng lực thì đến 60 tuổi có thể nghỉ làm lãnh đạo nhưng vẫn tiếp tục làm việc như chuyên gia và hưởng lương chuyên gia cao cấp. Như vậy Nhà nước sẽ tận dụng được lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xóa được việc “tham quyền cố vị”” - ông Lợi khẳng định.

Các đại biểu đều cho rằng cần tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên đối tượng tăng, lộ trình như thế nào thì phải tính toán kỹ. Ảnh: VIẾT LONG

Cũng theo ông Lợi, muốn tăng tuổi nghỉ hưu thì cần tính toán kỹ nhiều phương diện. Cụ thể, phải căn cứ sức khỏe của người lao động, vì hiện nay tuổi thọ người Việt Nam có nâng lên, song so với các nước tuổi thọ của người Việt còn thấp. Đồng thời, phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước; thị trường lao động, tăng tuổi nghỉ hưu thì có mất cơ hội của người trẻ hay không?

“Đặc biệt, phải xem xét đối tượng nào điều chỉnh trước, đối tượng nào điều chỉnh sau, nâng bao nhiêu là hợp lý để chúng ta đi trước đón đầu việc già hóa dân số... Tuy nhiên, theo tôi không bàn đến việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với các ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại và lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa, suy giảm khả năng lao động trong quá trình lao động. Chỉ nên bàn tăng đối với ngành nghề có cải thiện môi trường làm việc…” - ông Lợi nêu ý kiến.

Ông Lợi cũng cho rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải làm sao không lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng không lãng quên lực lượng lao động sung sức, trẻ tuổi được đào tạo có trình độ, chuyên môn kỹ thuật.

“Chúng ta phải khẳng định việc xây dựng hệ thống pháp luật không chỉ hôm nay, ngày mai mà xây dựng cho tương lai. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị ngay từ hôm nay là hợp lý, đừng để như các nước đùng một cái là tăng tuổi nghỉ hưu, như vậy người dân sẽ phản ứng… Rút kinh nghiệm, chúng ta phải xây dựng có lộ trình…” - ông Lợi nhấn mạnh.

Liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ làm giảm cơ hội của lao động trẻ được vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thừa nhận thực tế hiện nay nhiều người vào được công chức là nghiễm nhiên làm đến hết đời mà không biết chất lượng công việc có tốt có đảm bảo hay không.

“Việc sử dụng lao động trong khu vực công chức phải thay đổi. Phải bỏ việc cứ vào được công chức biên chế hiển nhiên là làm việc suốt đời mà phải có quá trình đánh giá công việc trong năm năm, 10 năm như một số nước khác. Nguyên tắc khu vực công chức có vào, có ra mới nâng cao được chất lượng, còn cứ ngồi mãi thì rất khó” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

 

Phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB&XH

Cụ thể, từ năm 2020 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu trước đối với cán bộ, công chức, viên chức với lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm ba hoặc bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Từ năm 2025 trở đi, sẽ thực hiện đối với các đối tượng còn lại cũng với lộ trình như trên.

Riêng đối với những người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (như lao động trong ngành dệt may, thủy sản, công nhân cạo mủ cao su...) sẽ không thực hiện tăng tuổi, vẫn thực hiện như quy định hiện hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm