Lo cho dân thì phải đội sớ lên cấp trên mà trình!

Tại cuộc tiếp xúc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân hôm 15-10, cử tri Nguyễn Chí Nam, cựu Bí thư huyện Hóc Môn, đã nói như thế khi phản ánh về tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang, không được khai thác, sử dụng hiệu quả trên địa bàn, chuyện người dân muốn cất nhà phải đi xin xỏ quanh năm... 

“Cán bộ các sở, ngành của TP và ở Hóc Môn thấy đất bỏ hoang trong lòng có xao xuyến không?... Nếu thực sự lo cho dân thì phải đội sớ lên cấp trên mà trình!” - ông nói.

Bí thư Nhân yêu cầu công khai các kết luận thanh tra - ảnh 2
Cử tri Nguyễn Chí Nam phát biểu tại cuộc tiếp xúc với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân ngày 15-10. Ảnh: Quốc Vũ

Trong buổi tiếp xúc này, cử tri cũng phản ánh với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tình cảnh dự án treo hơn chục năm, thậm chí treo 20 năm và đã được xóa treo nhưng những quyền lợi thiết thân của người dân vẫn bị treo tiếp bởi phải chờ quyết định của cấp trên!

Chia sẻ với nỗi bức xúc của người dân, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn chỉ rõ: “Dân chưa hài lòng với chính quyền, chưa tin chính quyền là do cán bộ chưa gần dân, chưa lắng nghe dân, chưa đặt mình vào những bức xúc, khó khăn của người dân để tìm cách giải quyết thấu đáo…”.

Tình trạng “chưa đặt mình vào những bức xúc, khó khăn của người dân để tìm cách giải quyết thấu đáo” không phải hiếm lạ ở nước ta, điển hình là vụ cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (Hà Nội) gây xôn xao dư luận thời gian gần đây. Ngay cả những nội dung mà cử tri huyện Hóc Môn, Củ Chi bức xúc nêu trên cũng không phải mới mà đã được nêu ra tại nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo TP.

Tôi còn nhớ một lần trước đây, khi nghe cử tri phản ánh về những nội dung tương tự, một vị lãnh đạo TP cũng đã phải thốt lên: “Các ông hãy đặt địa vị của mình là người dân ở trong đó suốt 10 năm nay không được làm nhà. Các ông thử chui vào nhà dân bao nhiêu năm nay không được sửa chữa trong khu vực quy hoạch sống thử xem có chịu được không?”... 

Có thể kể ra nhiều ví dụ về chuyện “dân cần nhưng quan chưa vội” như thế. Thực tế thì cán bộ lúc nào cũng có đầy đủ lý do để giải thích cho việc chậm trễ giải quyết công việc cho dân. Toàn những lý do có lý cả, chỉ có quyền lợi của dân là bị treo, bị chậm.

Một khi những quyền lợi chính đáng của người dân cứ liên tục bị treo, bị chậm thì khó có thể nói người dân hài lòng về chính quyền, về cán bộ của mình được. Mà để giải quyết được điều này thì mỗi cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người dân để tìm mọi cách giải quyết việc của dân. Xin đừng thờ ơ, vô cảm với những lý do “đúng quy trình”!

Điều này có quá khó để làm hay không? Câu trả lời xin dành cho những công bộc của dân trong một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm