Liên quan quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, Ủy ban Thường vụ QH trình QH hai phương án: xử lý bằng con đường tòa án và xử lý bằng thu thuế. Tuy nhiên, vấn đề này tiếp tục nhận được ý kiến trái chiều từ các đại biểu (ĐB) QH, dù dự án luật sẽ được bấm nút thông qua vào cuối kỳ họp.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị QH phải xem xét thật kỹ lưỡng và không thể đồng tình với phương án chuyển cho tòa án xử lý. Theo vị ĐB này, một khi thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ hay cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển cho tòa án xét xử.
“Nhà ở của tôi có sổ đỏ, xe đăng ký tên của tôi... tất cả điều này đã được pháp luật thừa nhận, bây giờ tôi không kê khai thu nhập lại cho đây là bất hợp lý thì không được” - ông Phương nói và cho rằng không chứng minh được vi phạm mà thu hồi thì khó thực thi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) Ảnh: VNN
Cạnh đó, không có căn cứ pháp lý mà chuyển cho tòa án thì sẽ làm khó tòa vì kết luận đúng sai không có cơ sở. Ông Phương lo ngại việc làm này dễ khiến phát sinh tiêu cực, làm mất cán bộ, làm mất niềm tin của người dân, chưa nói đến là tăng số lượng vụ án, tăng thời gian xét xử, đòi hỏi phải tăng biên chế cho tòa án… “Không có căn cứ, người (có nguy cơ) mất tài sản không tội gì mà không chạy” - ông Phương nhấn mạnh.
Tranh luận lại, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) nói: “Tòa án là một công cụ của Đảng, Nhà nước mà ĐB Phương lại không có niềm tin vào tòa án thì sẽ là mất tất cả. Hiện tòa án công việc quá tải nhưng QH giao thêm nhiệm vụ thì hệ thống tòa án sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có gì phải băn khoăn”.
Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định hai phương án đều không đảm bảo. Ông Nhưỡng cũng dẫn lại quy định của Bộ luật Dân sự, chiếm hữu bất hợp pháp ngay tình sau 30 năm có thể được thiết lập quyền sở hữu. “Vậy sẽ giải quyết mối quan hệ này như thế nào? Tôi cho rằng nếu không có cơ sở thì rất nguy hiểm... Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng tòa án để giải quyết kiến nghị của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì chúng ta đang hình sự hóa trá hình vấn đề thu hồi tài sản. Điều này sẽ rất không ổn về mặt khoa học pháp lý” - Phó Trưởng ban Dân nguyện của QH khá gay gắt. Cũng không đồng tình với việc sử dụng công cụ thuế, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu lại ý kiến cử tri: “Kể cả tài sản được hình thành từ tài sản tham nhũng thì nó cũng đã được mua, tức là đã chịu thuế. Nếu tiếp tục đánh thuế sẽ là biện pháp chồng thuế”.
“Nói như ĐB Nhưỡng thì chúng ta không có lối thoát. Cá nhân tôi chọn phương án 2 và có lý lẽ để tranh luận lại với ĐB có ý kiến về phương án 1” - ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu quan điểm.
Theo ĐB Hồng, phải dùng giải pháp kinh tế để xử lý những vấn đề kinh tế. Ông Hồng cũng đề nghị cần có lộ trình để xử lý vấn đề này. “Đề nghị có lộ trình đến năm 2025 và phân loại từng loại tài sản để xử lý…” - ông Hồng cho hay.