Xử lại vụ án vườn mít ở Bình Phước: Sai lệch ngay từ khâu đầu tiên

Cũng như ở phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7-2010, ngay từ đầu phiên xử sáng 18-5, chủ tọa phiên tòa đã cho bị cáo từng hai lần bị tuyên án tử hình Lê Bá Mai được ngồi khi trả lời tòa vì Mai không được khỏe.

Buổi sáng, sau khi VKS công bố bản cáo trạng cũ (trước đây tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra và VKS không đáp ứng), chủ tọa tập trung xét hỏi bị cáo Mai. Khi được tòa hỏi, Mai có vẻ hơi lơ ngơ và thường trả lời “không nhớ” khiến tòa đành cho bị cáo “nợ” một số câu trả lời để khi nào nhớ ra sẽ trả lời tiếp.

Bị cáo có “trục trặc”?

Buổi chiều, khi tòa “nhắc nợ”, bị cáo tiếp tục trả lời “chưa nhớ”. Đến phần mình, đại diện VKS lại hỏi những câu bị cáo còn “nợ” tòa, Mai vẫn trả lời không nhớ. Khi VKS cho bị cáo xem các bản cung, biên bản mô tả hiện trường… và hỏi chữ ký đó có phải của bị cáo không, Mai vẫn lắc đầu “không nhớ”.

Tuy nhiên, có nhiều tình tiết bị cáo vẫn nhớ được. Chẳng hạn chuyện bị điều tra viên đánh đập, ép và mớm cung, bị cáo vẫn nói như ở phiên sơ thẩm tháng 7-2010. Tòa hỏi bị ép cung tại sao ba bản khai nhận tội của bị cáo có nội dung khác nhau, Mai trả lời vì nhớ (lời mớm cung) tới đâu khai tới đó. Tòa cật vấn vì sao khi được chuyển lên cơ quan điều tra công an tỉnh không bị đánh đập mà bị cáo vẫn khai nhận tội, bị cáo trả lời vì không biết chuyện đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như bây giờ…

Xử lại vụ án vườn mít ở Bình Phước: Sai lệch ngay từ khâu đầu tiên ảnh 1

Bị cáo Lê Bá Mai được tòa cho ngồi khi trả lời tòa. Ảnh: TB

Quá trình xét hỏi, hễ khi nào tòa hoặc đại diện VKS hỏi hơi lớn tiếng một chút hoặc “hỏi tới” thì bị cáo hầu như “ngọng”, không trả lời hoặc lí nhí nói “không nhớ”. Nhiều lần nhận được câu trả lời như thế của Mai, VKS hỏi sang những câu mà nếu bị cáo trả lời đúng như đã từng trả lời ở phiên xử trước thì sẽ “có lợi” cho bị cáo nhưng Mai vẫn nói “không nhớ”.

Ngoài ra, diễn biến tâm lý của Mai qua nhiều phiên tòa cho thấy bị cáo khó có thể là kẻ ranh mãnh. Ngược lại, những biểu hiện của bị cáo có phần bất thường, từ chuyện luôn nở nụ cười lơ ngơ suốt nhiều phiên xử đến chuyện trả lời “không nhớ” ngay cả những câu hỏi đơn giản của tòa và VKS.

Chưa thấy tòa và VKS đề cập nghi vấn về những biểu hiện này. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xem xét sự “lơ ngơ” của bị cáo là điều cẩn trọng rất nên làm.

Sự bất nhất của công an viên

Cần nhắc lại nội dung của vụ án. Chiều 12-11-2004, gia đình cháu Út và Hằng không thấy cháu Út về nhà. Tối đó, cha Út và cha Hằng có đến trại nơi Mai làm thuê hỏi thăm nhưng Mai bảo không thấy nên họ ra về. Những ngày sau đó họ có đi tìm kiếm, đến ngày 15-11, cha của Út đến công an xã báo. Trưởng công an cử công an viên Trần Văn Sinh xuống địa bàn nắm tình hình. Sau đó, ông Sinh lấy lời khai của cháu Hằng…

Tại tòa, ông Sinh khai: Sáng 15-11, ông Điểu Cẩn (cha nạn nhân Út) báo tin bằng miệng rằng con gái ông đi mót củ sắn có người thanh niên chở đi đâu mất. Tôi xuống nhà gặp ông Cẩn và cháu Hằng, cháu Hằng chỉ Út đi theo hướng xe, qua mương cạn có thấy dấu vết bánh xe… Tôi có hỏi cháu Hằng có nhìn thấy ai chở Út đi không, Hằng tả một người thanh niên choàng khăn, đội nón lá, đi xe máy màu đen, đeo bình xịt thuốc màu xanh và treo bình nước đá màu đỏ…

Trong biên bản lấy lời khai cháu Hằng (được coi là manh mối đầu tiên của vụ án), ông Sinh ghi người thanh niên đó giống Mai. Tuy nhiên, lúc khai với cơ quan điều tra, ông Sinh lại khẳng định cháu Hằng nói thấy Mai chở cháu Út đi. Đến bản khai thứ hai, ông Sinh lại nói Hằng chỉ khai một người giống Mai (như ban đầu). Đến bản khai cuối cùng, ông Sinh lại khẳng định rằng Hằng khai rõ người chở Út là Mai nhưng vì cẩn thận, ông chỉ ghi là một người giống Mai…

Tòa vặn: “Sao phải thận trọng lạ lùng như thế? Anh là công an viên thì phải ghi đúng những gì đương sự khai báo. Anh phải biết lời khai ban đầu là cực kỳ quan trọng, trách nhiệm của anh là phải ghi trung thực. Anh có biết chính việc ghi lời khai không trung thực của anh góp phần làm cho vụ việc thêm phức tạp như ngày nay hay không?”.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

“Không cần thiết phải căng thẳng”

Sau khi xét hỏi Lê Bá Mai, chủ tọa nói sáng giờ tòa xét hỏi bị cáo những nội dung tổng thể. Do VKS vẫn bảo lưu quan điểm truy tố sau khi điều tra bổ sung nên tòa đề nghị VKS xét hỏi bị cáo. Luật sư (bào chữa miễn phí cho bị cáo Mai) yêu cầu cách ly các nhân chứng. Chủ tọa đồng ý và yêu cầu cảnh sát đang làm nhiệm vụ mời các nhân chứng ra ngoài.

Tuy nhiên, VKS có ý kiến rằng việc cách ly này là không cần thiết và luật sư nên đề nghị ngay từ đầu phiên xử. Ngoài ra, tòa phải xét hỏi hết những người tham gia khác mới tới lượt VKS xét hỏi (bị cáo).

Tòa nói việc cách ly này theo đề nghị của luật sư là cần và theo luật, tòa không nhất thiết phải thẩm vấn hết những người tham gia tố tụng khác mới tới lượt VKS xét hỏi bị cáo.

Điểm sau thì VKS đồng ý, còn điểm đầu thì VKS bảo lưu. Cuối cùng, tòa quyết định cho các nhân chứng vào phiên xử, đồng thời “tâm tình” rằng quá trình xét xử kéo dài, mục đích chính là phải tìm ra sự thật của vụ án. Tòa mong đại diện VKS và luật sư không nên căng thẳng một cách không cần thiết.

NGÔ THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm