Theo đó, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng.
Cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam.
Để được hưởng mức này, người nghỉ hưu năm 2018 cần đóng BHXH trong 16 năm, năm 2019 cần 17 năm, năm 2020 cần 18 năm, 2021 cần 19 năm, từ năm 2022 trở đi cần 20 năm.
Đối với nữ, để được hưởng mức lương hưu 45%, cần đóng BHXH trong 15 năm.
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động (cả nam và nữ) được cộng thêm 2%, nhưng mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Như vậy, để được hưởng mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng BHXH 35 năm và nữ đóng 30 năm.
Theo công thức tính lương hưu theo Luật BHXH năm 2006 hiện hành, người lao động có 15 năm đóng BHXH sẽ có mức lương hưu được tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH và sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì lao động nam được cộng thêm 2% và nữ cộng thêm 3%. Mức hưởng tối đa là 75%.
Khu vực kinh tế tư nhân đang thực hiện quy định tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu.
Từ năm 2018, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.
Luật BHXH sửa đổi lần này mở rộng thêm 2 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: NLĐ có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Về chế độ thai sản, lao động nữ được nghỉ việc khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con người mẹ được thêm 1 tháng. Người chồng cũng được nghỉ 5 ngày khi vợ sinh thường và 7 ngày nếu vợ sinh mổ và sinh non. Trường hợp vợ sinh đôi, thì chồng được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày...