John McCain, người bắc cầu quan hệ Việt-Mỹ

Thượng nghị sĩ kỳ cựu Mỹ John McCain vừa qua đời tại nhà riêng ở bang Arizona (Mỹ) chiều 25-8 (giờ địa phương) sau hơn một năm chống chọi bệnh ung thư não, thọ 81 tuổi.

Sau khi biết mình bị ung thư não từ một phẫu thuật loại bỏ một cục máu đông phía trên mắt trái tháng 7-2017, ông vẫn rất kiên cường vừa quay trở lại Thượng viện làm việc, vừa chịu hóa trị, xạ trị. Ông về nhà ở Arizona điều trị tích cực từ tháng 12-2017. Đến ngày 24-8, gia đình thông báo ông quyết định từ bỏ điều trị và ông qua đời một ngày sau đó.

Tượng đài chính trị Mỹ

Sau khi tốt nghiệp trung học, chàng trai McCain vào Học viện Hải quân Mỹ ở TP Annapolis, bang Maryland, tiếp nối truyền thống cả ông nội và bố vốn đều là các đô đốc hải quân bốn sao.

Chàng trai trẻ McCain bắt đầu nghiệp nhà binh với vị trí thiếu tá hải quân, phi công lái máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Tháng 10-1967, chiếc máy bay A-4 Skyhawks ông lái tham chiến trên bầu trời Hà Nội bị trúng tên lửa và ông bị bắt và được trao trả về Mỹ hơn năm năm sau.

Năm 1981 ông về hưu, rời khỏi hải quân Mỹ sau khi nhận rất nhiều huân, huy chương. Quyết định chuyển hướng sang làm chính trị thay nghiệp nhà binh, năm 1982 ông chạy đua vào một ghế nghị sĩ bang Arizona. Bốn năm sau, ông chạy đua vào Thượng viện và phục vụ từ đó đến nay, từng trải qua sáu nhiệm kỳ thượng nghị sĩ.

Ông từng hai lần tham gia tranh cử tổng thống Mỹ. Lần 1 vào năm 2000 nhưng dừng lại ở vòng sơ bộ, “nhường bước” cho ông George W. Bush. Lần 2 năm 2008 ông nhận được đề cử của đảng Cộng hòa, tuy nhiên ông không thắng được đối thủ Dân chủ Barack Obama.

Nghị sĩ McCain là tiếng nói rất có trọng lượng, rất tỉnh táo ở Thượng viện, có uy tín, ảnh hưởng lớn không chỉ trong đảng Cộng hòa mà cả với đảng Dân chủ. Các chính trị gia Dân chủ như nghị sĩ Joe Lieberman, nghị sĩ Ted Kennedy, cựu ngoại trưởng John Kerry, cựu phó tổng thống Joe Biden đều là bạn thân của ông.

Tin ông qua đời gây hụt hẫng lớn ở Mỹ khi ông được xem là tượng đài chính trị ở Mỹ. Đến trước khi qua đời ông vẫn là chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Cho đến những ngày cuối cùng, các đồng nghiệp của ông ở Thượng viện vẫn né nhắc đến chuyện người nào sẽ thay thế vị trí chủ tịch ủy ban này.

Nghị sĩ John McCain trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ sau ngày đất nước thống nhất - tại trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 17-10-1990. Ảnh: AP

Nghị sĩ John McCain có hơn 30 năm phục vụ tại Thượng viện Mỹ. Ảnh: AP News

Cựu binh John McCain trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 24-4-1973, khoảng một tháng sau khi trở về Mỹ từ Việt Nam. Ảnh: GETTY IMAGES

Người nỗ lực cho quan hệ Việt-Mỹ

Không chỉ với Mỹ, sự ra đi của ông McCain cũng là một mất mát với Việt Nam. Không chỉ là một tượng đài chính trị của Mỹ, nghị sĩ McCain còn là người có vị trí rất đặc biệt, là biểu tượng trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Ông được biết đến là người có công rất lớn trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh hai nước, đưa quan hệ hai nước trở lại bình thường.

Là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, về Mỹ sau hơn năm năm bị giam ở Việt Nam, ông McCain - cùng với một cựu binh Việt Nam khác là cựu thượng nghị sĩ, ngoại trưởng John Kerry - đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc mở đường bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Hai ông đã có một thời gian dài phụ trách các dự án tìm kiếm binh sĩ mất tích trong chiến tranh, rà soát tháo gỡ bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật do hậu quả chiến tranh…

Suốt thời gian dài hai nghị sĩ McCain, Kerry theo đuổi vận động để Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam. Năm 1994, công sức vận động đã có kết quả khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại đã áp lên Việt Nam 19 năm. Năm 1995, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam được chính thức nối lại.

Tháng 10-2015, Mỹ bỏ cấm vận vũ khí một phần với Việt Nam. Năm tháng sau, tháng 3-2016, tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, nhờ công lớn của hai nghị sĩ McCain và Kerry.

Còn nhớ trước ngày Tổng thống Obama thăm Việt Nam, nghị sĩ McCain một lần nữa nhấn mạnh cần thiết phải dỡ bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam, rằng lệnh cấm vận là sản phẩm của quá khứ và đang cản trở tương lai quan hệ hai nước.

Một chi tiết nữa, sau chuyến thăm năm 2016 của Tổng thống Obama, có thông tin Thượng viện Mỹ ra nghị quyết hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn có từ năm 2008. Theo chương trình này thì cá da trơn được đưa vào dạng thực phẩm có nguy cơ cao bắt buộc kiểm tra, một chương trình bất lợi cho Việt Nam. Và người có công lớn trong việc vận động Thượng viện Mỹ hủy bỏ chương trình này cũng là ông McCain.

Đại sứ quán Hoa Kỳ mở sổ chia buồn với thượng nghị sĩ John McCain

Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 26-8 phát đi thông báo bày tỏ lòng tiếc thương trước việc thượng nghị sĩ John McCain qua đời. “Trong nhiều thập niên, ông ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, dũng cảm tạo dựng bước đường để hai quốc gia chúng ta chuyển đổi từ kẻ thù thành đối tác. Ông sẽ luôn được tưởng nhớ” - thông báo ghi rõ.

Để tôn vinh những đóng góp của thượng nghị sĩ McCain và của cựu đồng nghiệp của ông tại Thượng viện Hoa Kỳ, cũng là cộng sự lâu năm của ông trong các vấn đề về Hoa Kỳ-Việt Nam, là ông John Kerry, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ khởi động chương trình McCain/Kerry. Mỗi năm một lãnh đạo trẻ của Việt Nam có sự cam kết với dịch vụ công sẽ thực hiện một chuyến tham quan, học tập tới Hoa Kỳ. Qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai dân tộc và thúc đẩy di sản tích cực của thượng nghị sĩ McCain.

Đại sứ quán Hoa Kỳ mở sổ chia buồn trong các ngày 27 đến 29-8, từ 10 giờ sáng tới 5 giờ chiều, tại tòa nhà Vườn Hồng, 170 Ngọc Khánh, Hà Nội.

V.THỊNH

Người Hà Nội tưởng nhớ ông John McCain

Theo VnExpress, trong ngày 26-8, nhiều người dân Hà Nội tới phù điêu bên hồ Trúc Bạch đặt hoa, thắp hương tưởng nhớ ông John McCain, người có nhiều đóng góp cho quan hệ Việt-Mỹ.

“Chúng tôi tới đặt hoa và thắp hương tưởng nhớ khi biết tin thượng nghị sĩ John McCain qua đời. Ông từng tham gia ném bom miền Bắc, bị bắn rơi và trở thành tù binh nhưng cũng là một người có nhiều đóng góp cho quá trình bình thường hóa quan hệ song phương” - vợ chồng nhà biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã chia sẻ với VnExpress cạnh phù điêu kỷ niệm sự kiện phi công Mỹ bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch năm 1967.

John McCain, người bắc cầu quan hệ Việt-Mỹ ảnh 4
Người dân Hà Nội tới tưởng nhớ ông John McCain chiều 26-8. Ảnh: VŨ ANH, VnExpress.net

Phù điêu này khắc họa hình ảnh John McCain, phi công Mỹ bị bắn rơi vào ngày 26-10-1967 khi tham gia chiến dịch ném bom miền Bắc và phải nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. McCain bị giam giữ hơn năm năm ở nhà tù Hỏa Lò trước khi được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973.

Khi trở về Mỹ, McCain tham gia chính trị và nỗ lực không biết mệt mỏi để bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ. Ông cũng đã nhiều lần quay trở lại Việt Nam và tới thăm phù điêu ghi dấu ấn sự kiện liên quan đến mình. McCain khẳng định Việt Nam và Mỹ cần phải gác lại quá khứ để hướng tới quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ.

“Những người đã hồi tâm, có tác động tốt tới đời sống xã hội tại Việt Nam đều được chúng tôi tri ân” - ông Lê Phương và bà Trịnh Thanh Nhã khẳng định.

Bà Nhã cho rằng có nhiều cựu binh Mỹ đã tìm cách xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước, trong đó ông John McCain là người tiêu biểu và có nhiều đóng góp nhờ vai trò thượng nghị sĩ Mỹ. Bà khẳng định việc tưởng nhớ McCain cũng là cách để những người cao tuổi “không quên một thời lăn lộn trong bom đạn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm