Phải chăng “cải chính” kiểu... nhà báo?!

Đó là bồi thường thiệt hại về tinh thần. Còn cụ thể trong từng vụ việc có phải cải chính, bồi thường tiền bạc hay không, bồi thường bao nhiêu, cải chính như thế nào là tùy yêu cầu của nguyên đơn, kết quả thương lượng hòa giải giữa đôi bên và phán xét của tòa án.

Trong vụ tranh chấp giữa ca sĩ Phương Thanh (nguyên đơn) và nhà báo Hương Trà (bị đơn) đã được TAND quận Tân Bình xử hôm 29-2 vừa qua, nguyên đơn ca sĩ cho rằng chủ blog Cogaidolong (bị đơn Hương Trà) đã viết hai bài trên blog có nội dung không đúng sự thật, xúc phạm đến danh dự, uy tín của mình. Nguyên đơn đòi bị đơn phải cải chính công khai và xin lỗi trên ba tờ báo khác nhau trong hai kỳ liên tiếp... Nhưng phía bị đơn nhà báo Hương Trà thì cho rằng mình viết phóng tác không hề ám chỉ “Cờ” là Phương Thanh mà nội dung cũng không có gì gọi là vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của ai. Bị đơn đề nghị chỉ “viết lại cho rõ” đăng trên blog của mình, chứ không phải cải chính, xin lỗi trên báo như yêu cầu của nguyên đơn.

Trước yêu cầu mâu thuẫn như vậy, hội đồng xét xử nhận định không có đủ cơ sở để kết luận bị đơn nhà báo viết ám chỉ nguyên đơn ca sĩ, mà nội dung bài viết cũng là đúng sự thật đã xảy ra, chỉ có điều... có thể khiến người đọc lầm tưởng mà hiểu xấu đi... Thế là tòa tuyên án bác yêu cầu của nguyên đơn ca sĩ, không buộc bị đơn nhà báo phải cải chính, xin lỗi (vì đâu có “lỗi” gì để phải “xin”, đâu có “sai” nào để phải “cải chính”)... Đồng thời, tòa ghi nhận thiện chí của phía bị đơn, chấp thuận cho bị đơn viết bài “nói lại cho rõ” trên blog của mình trong vòng hai ngày kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy là phía nguyên đơn thua trắng. Vậy thì ai đúng, ai sai? - Việc gì cũng tùy theo nhận định thôi. Vì tòa nhận định Hương Trà không ám chỉ Phương Thanh mà nội dung viết cũng không có gì sai trái thì rõ ràng làm sao buộc Hương Trà cải chính, xin lỗi. Còn việc “nói lại cho rõ” là phát xuất từ thiện chí của người viết, mình viết chưa rõ thì mình viết lại thôi. Đó là việc ngoài quy định của pháp luật nên tòa chỉ có quyền chấp nhận vậy thôi...

Nói cách khác, trong cương vị của tòa, đối với hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác thì mới phải dùng đến pháp luật mà xử lý buộc phải cải chính công khai và xin lỗi; còn ở đây, cũng theo nhận định của tòa, bị đơn không có gì sai trái, cho nên ghi nhận thiện chí “nói lại cho rõ” đã là thỏa đáng rồi. Có điều đáng để ý là với cách đối phó ấy của cánh nhà báo lâu nay không ít người tỏ ra “khó chịu” thì ở đây cũng bằng cách “dung hòa” ấy của một nhà báo đã được tòa tán dương và chấp nhận!

Suy cho cùng, trong vụ án này, tòa đã xử lý trong thẩm quyền của mình đúng theo luật định; bị đơn nhà báo đã đưa ra giải pháp dung hòa quyền lợi không trái pháp luật; và nguyên đơn ca sĩ cũng đã biết sử dụng kịp thời cái quyền kháng cáo mà pháp luật đã quy định cho mình. Tất cả đều dựa theo luật mà làm, lách theo luật mà sống, ai cũng chỉ biết dùng luật mà cư xử với nhau!

LS TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm