12.000 tỉ và 9.000 tiến sĩ

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”. Trong đó nội dung đào tạo 7.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, thu hút thêm 1.500 tiến sĩ từ ngoài vào trường ĐH, đồng thời bồi dưỡng cho giảng viên và cán bộ các trường ĐH đạt chuẩn với tổng mức kinh phí thực hiện dự kiến hơn 12.000 tỉ đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Các chuyên gia trong ngành giáo dục cũng như dư luận đặt vấn đề, liệu với số tiền lớn như vậy đề án có thực sự đào tạo ra đội ngũ tiến sĩ chất lượng hay không? Trong khi hai đề án trước đó là 322 và 911 về đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn chưa cho thấy kết quả thực tế.

Chúng ta vẫn đang thiếu tiến sĩ

Thống kê và đánh giá từ Bộ GD&ĐT, hiện số lượng tiến sĩ của nước ta và tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại một số quốc gia trong khu vực có sự chênh lệch khá lớn. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, tại Việt Nam năm 2017 số lượng giảng viên là tiến sĩ chỉ mới đạt 22,7%, trong khi đó năm 2010 Malaysia có 73% giảng viên có trình độ tiến sĩ, Srilanka 55% (năm 2015). Vì vậy việc nhanh chóng tăng thêm số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường ĐH, CĐ là cần thiết.

“Bên cạnh đó, tổng kinh phí dự kiến 12.000 tỉ đồng cho đề án mới này đã bao gồm 10.200 tỉ đồng còn lại từ đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 (Đề án 911) trước đó, do vậy sẽ không tiêu tốn quá nhiều tiền” - bà Phụng cho biết.

GS-TS Võ Văn Tới, bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), trao đổi với các sinh viên tại một buổi tuyển sinh ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Quan trọng là chất lượng

Từ đề án này, nhiều nhà quản lý giáo dục đã lên tiếng ủng hộ việc nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm như đề án Bộ GD&ĐT đề xuất. Tuy nhiên, nâng cao số lượng phải đi đôi với việc đảm bảo chất lượng, tránh tốn tiền mà công cốc.

GS-TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng số lượng giảng viên có trình độ hiện nay ở nước ta vẫn còn thiếu khá nhiều so với nhu cầu phát triển.

“Đó là câu chuyện người quản lý giáo dục đã nhận thấy và việc tăng thêm số lượng tiến sĩ như đề án tôi và nhiều người cũng rất ủng hộ. Tuy nhiên, không nên nâng số lượng tiến sĩ chỉ vì nhu cầu ít mà quên mất chất lượng tiến sĩ phải như thế nào. Trong khi câu chuyện “tiến sĩ giấy” và các đề tài nghiên cứu “nhảm nhí, gây cười” đang làm nhiều người mất niềm tin vào chất lượng tiến sĩ nước ta” - ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, để thực hiện đề án có hiệu quả, các nhà quản lý giáo dục cần phải bàn luận thật kỹ, làm việc phải minh bạch, mạnh tay và kiên quyết mới mong có được hiệu quả.

Đồng quan điểm với TS Bảo, ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng ngoài việc số lượng giảng viên là tiến sĩ còn ít thì chất lượng tiến sĩ của nước ta hiện còn thấp. Theo ông Thuyết, nên có kế hoạch vững chắc và cụ thể trong việc nâng cao chất lượng tiến sĩ thì mới làm.

12.000 tỉ đồng là tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án. Bao gồm 10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ và 1.800 tỉ đồng từ các cơ sở giáo dục ĐH và đối tượng thụ hưởng đề án. 

Cân nhắc ngân sách nhà nước

ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, góp ý: “Sẽ có 5.000 tiến sĩ trong số 9.000 tiến sĩ trong đề án được đào tạo ở các trường ĐH có uy tín trên thế giới. Vậy Bộ nên có cách thực hiện làm sao để các nghiên cứu sinh cân nhắc đến số tiền họ sẽ bỏ ra đi học và kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước nhằm đảm bảo ngân sách trước cơ chế tự chủ của các trường ĐH, CĐ. Thực tế từ trước đến nay, một nghiên cứu sinh đào tạo trong nước được hỗ trợ 30 triệu đồng nhưng nghiên cứu sinh đào tạo ở nước ngoài lại được hỗ trợ đến 2 tỉ đồng. Và sau khi đào tạo xong, các nghiên cứu sinh ở nước ngoài đa phần ở lại “trời Tây” làm việc, cống hiến cho nước bạn. Do đó, theo tôi khi trình đề án này, Bộ nên xem xét kinh phí đầu tư mới cho nghiên cứu sinh trong nước, nâng cao chất lượng tiến sĩ trong nước và lựa chọn một số cơ sở nhất định để đầu tư nghiên cứu khoa học thật chất lượng. Làm sao tiến sĩ trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế, không cứng nhắc quá số lượng tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài như đề án đặt ra”.

Theo một giảng viên lâu năm tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đề án mới phải thể hiện được sự ràng buộc của cơ quan quản lý và nghiên cứu sinh, mở ra được cho họ một môi trường trong nước năng động, phù hợp để họ có khả năng phát huy khả năng của mình. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nên chú ý hơn đến ngành cần đào tạo tiến sĩ, không nên đào tạo một cách ồ ạt, đại trà để đạt số lượng chung gây lãng phí cho Nhà nước.

Trong số 9.000 tiến sĩ cần đào tạo sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới. Từ năm 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn từ 600 đến 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.

Đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và trường ĐH nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người. Đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường ĐH đã được kiểm định ở Việt Nam. Thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục ĐH đến làm việc tại các trường ĐH tại Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm