3 lưu ý giúp ôn tập tốt môn ngữ văn thi THPT quốc gia

Lưu ý quan trọng giúp làm tốt bài Ngữ văn thi THPT quốc gia 2017

Với những thay đổi này, cô Lê Thị Biên, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên), cho rằng giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách làm từng dạng bài cụ thể, đặc biệt với đối tượng học sinh chỉ học môn văn để xét tốt nghiệp.

Năm lưu ý với câu đọc hiểu

Theo cô Lê Thị Biên, với ba mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp, các thí sinh học tự nhiên hay xã hội đều có thể đạt từ 2 điểm phần đọc hiểu. Học sinh không thể học ôn tất cả từng bài từ THCS nhưng cần quan tâm trọng điểm sau:

Thứ nhất: Nhận biết sáu phong cách ngôn ngữ văn bản. Hoc sinh dựa ngay vào các xuất xứ ghi dưới phần trích của đề bài để chọn: báo chí, văn chương nghệ thuật, khoa học, chính luận, khẩu ngữ hay hành chính công vụ.

Thứ hai: Xác định năm phương thức biểu đạt của văn bản dựa vào các từ ngữ hay cách trình bày. Đoạn trích thấy có sự việc diễn biến (tự sự), nhiều từ biểu lộ xúc động (biểu cảm), nhiều từ khen-chê, bộc lộ thái độ (nghị luận), nhiều từ thuyết trình, giới thiệu về đối tượng (thuyết minh) và có nhiều từ láy, từ gợi tả sự vật, sự việc (miêu tả).

Thứ ba: Nhận biết các phép tu từ từ vựng (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, lặp từ, nói quá, nói giảm, chơi chữ…); tu từ cú pháp (lặp cấu trúc câu, giống kiểu câu trước; đảo ngữ; câu hỏi tu từ; liệt kê). Các biện pháp tu từ có tác dụng làm rõ đối tượng nói đến, tăng thêm gợi cảm, gợi hình ảnh, âm thanh, màu sắc, làm đối tượng hấp dẫn, sâu sắc.

Thứ tư: Đọc kỹ đoạn trích trong đề bài, đặt tên nhan đề, nêu đại ý, hay cảm xúc trong đoạn văn ngắn 5-7 dòng. Thí sinh cần trả lời các câu hỏi: Đoạn trích viết về ai? Vấn đề gì? Biểu hiện như thế nào? Đặt trong tình huống bản thân để nêu hành động cần thiết.

Thứ năm: Văn bản trong đề chưa thấy bao giờ nên học sinh cần đọc nhiều lần để hiểu từng câu, từng từ, hiểu nghĩa và biểu tượng qua cách trình bày văn bản, liên kết câu, cách ngắt dòng...

Vì thế cô Lê Thị Biên lưu ý, học sinh cần làm ngay những việc sau: Sử dụng hiệu quả thời gian học ôn trên lớp, cố nhớ bài thầy cô ôn tập. Hỏi thầy cô ngay những gì chưa hiểu, chưa rõ, dù là nghĩa một từ, một câu. Viết đúng từ ngữ, trình bày rõ ràng, đúng chính tả, dấu câu; không viết dài.

Bên cạnh đó, chỉ dùng thời gian khoảng 15 phút làm câu hỏi đọc hiểu. Trả lời đúng câu hỏi của đề. Làm trọn vẹn từng câu, không bỏ ý, không viết vội vàng để giành chắc chắn từng 0,25 điểm.

Lưu ý với câu viết đoạn văn

Với câu hỏi viết đoạn văn, cô Lê Thị Biên đưa ra những lưu ý như sau:

Thứ nhất: Viết đúng trọng tâm yêu cầu của đề. Nên viết theo đoạn diễn dịch. Câu chủ đề phải viết đúng vào yêu cầu của đề bài. Phải có từ khóa của đề trong câu mở đoạn. Các câu sau đó phải tuyệt đối đúng, trúng vào nội dung.

Thứ hai: Kết lại đoạn văn bằng 2-3 câu bày tỏ cái tôi của mình hoặc rút ra bài học.

Thứ ba: Bài yêu cầu viết 7-8 dòng (hoặc câu, giới hạn từ), thí sinh có thể ước lượng để viết, không cần phải đếm quá chính xác số dòng.

Lưu ý câu về cảm thụ văn học

Với câu cảm thụ văn học, để đạt điểm cao, cô Lê Thị Biên lưu ý học sinh cần xác định đầy đủ, chính xác yêu cầu của đề thi trong khoảng thời gian nhanh nhất. Vận dụng chính xác, linh hoạt, nhuần nhuyễn các kiểu bài, các kỹ năng và các thao tác nghị luận. Có bố cục rõ ràng.

Trong quá trình làm bài, thí ính cần phân bố thời gian hợp lý, không được bỏ bất cứ câu nào, bởi bài văn đạt điểm cao bao giờ cũng được làm nên từ những điểm số nhỏ trong từng ý, từng câu.

Khuyến khích tinh thần tự học

Bên cạnh truyền đạt kiến thức, kỹ năng, theo cô Lê Thị Biên, giáo viên nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia trên tinh thần học tập, giải trí tích cực, giúp các em yêu thích môn học hơn. Việc giải trí nhỏ trong từng tiết học cũng làm tiết học trở nên vui nhộn, nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Bên cạnh đó là nghiêm túc hơn khi chấm bài và sửa bài cho học sinh, phải ghi rõ những lỗi sai trong bài làm và cách sửa, giúp học sinh thấy được hết những hạn chế của mình để rút kinh nghiệm cho bản thân. Khuyến khích tinh thần tự học của học sinh như chỉ cho các em đọc tham khảo những bài viết có liên quan đến bài học.

Một biện pháp cần thiết và quan trọng là phát phiếu thu nhận ý kiến thường xuyên đến học sinh. Học sinh có quyền tự do phát biểu, nhận xét về không khí học tập, phương pháp dạy học, thái độ của giáo viên với học sinh… Trên phiếu có thể gợi ý cho học sinh đưa ra phương pháp nào là tốt nhất cho các em tiếp thu bài nhanh nhất, đạt kết quả cao nhất, làm thế nào để học sinh có cảm giác thoải mái nhất, vui nhất khi đến giờ văn.

“Đó là những giải pháp với đối tượng học sinh chỉ thi môn văn để xét tốt nghiệp. Còn đối với những thí sinh sử dụng môn văn để xét tuyển vào các trường đại học, đương nhiên các em đã yêu quý và chú tâm tới môn học này rồi. Giáo viên dạy sâu hơn về kiến thức, rèn cho các em kỹ năng diễn đạt thông qua các đề luyện và chấm, chữa bài” - cô Lê Thị Biên trao đổi thêm.

                                                                               (Theo HẢI BÌNH/VNN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm