Trường THPT Trưng Vương (số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1)
Ngôi trường có bề dày lịch sử
Trường Trưng Vương Sài Gòn là hậu thân của ngôi trường Trưng Vương Hà Nội được thành lập vào năm 1917. Khi ấy, Trưng Vương Hà Nội với tên gọi là trường nữ sinh Đồng Khánh là ngôi trường thơ mộng nằm ngay bên cạnh Hồ Gươm.
Cổng trường kiên cố với những chân cột màu vàng nổi bật
Năm 1954, trường Trưng Vương Sài Gòn được thiết lập khi một số giáo viên học sinh trường Trưng Vương Hà Nội di cư vào Sài Gòn sau Hiệp định Genève 1954. Ban giám đốc đầu tiên gồm có: bà hiệu trưởng Tăng Xuân An, bà giám học Nguyễn Thị Phú và bà tổng giám thị Nguyệt Minh. Ba năm học đầu tiên trường phải học nhờ trường nữ trung học Gia Long (khóa buổi chiều).
Đến năm 1957, trường Trưng Vương dời về số 3 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (nguyên trước đó là bệnh viện của Quân đội Pháp) mang tênQuân y viện Coste, gần Sở Thú Sài Gòn. Cấp trung học 7 năm. Hiệu trưởng là người Việt.
Dãy nhà A cổ kính đầy thơ mộng của trường
Từ năm 1975 đến nay, trường có tên gọi là THPT Trưng Vương, dành cho cả nam lẫn nữ học sinh.
Cầu thang gỗ độc đáo còn nguyên vẹn ở dãy nhà A
Những mối tình thơ lãng mạn
Thời đó, nữ sinh Trưng Vương với áo dài trắng thướt tha là hình ảnh khiến nhiều trái tim nam sinh thổn thức. Có nhiều lời đồn về những cuộc tình trong sáng, lãng mạn giữa Trường nữ trung học Trưng Vương và Trường nam trung học Võ Trường Toản cạnh bên.
Những năm đầu thập niên 70, ca từ của ca khúc Trưng Vương khung cửa mùa thudo Nam Lộc viết lời Việt dựa theo một bài hát nước ngoài như nói thay những rung động đầu đời của các cô cậu học trò mới lớn. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vì thế đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ với những kỉ niệm nên thơ.
Các dãy nhà B, C, D của trường hợp thành một hình chữ U “Trưng Vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời /Công viên năm xưa hoa vẫn rơi tuyệt vời /Bóng người thì mịt mùng /Từng hàng me rung rung /Trong cơn gió lạnh lùng /Trong nắng ngại ngùng /Nắng vẫn vương nhẹ gót chân/Trưng Vương vắng xa anh dần /Mùa thu đã qua một lần /Chợt nghe bâng khuâng /Lá rơi đầy sân".
Sân trường mát rượi rợp bóng cây xanh
Trưng Vương ngày nay – cổ kính và thơ mộng
Trải qua gần một thế kỷ, trường THPT Trưng Vương ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc đặc trưng từ thời Pháp. Những khung cửa sổ gỗ cao màu xanh lá nổi bật trên nền tường vàng. Mái ngói đỏ sẫm trầm mặc qua thời gian càng tôn lên nét đẹp cổ kính của ngôi trường. Từng chi tiết nhỏ như: mái vòm, rui mè, họa tiết ở những cánh cổng cầu thang… vẫn giữ nguyên kết cấu, kiểu dáng ban đầu.
Mái vòm, cửa gỗ, họa tiết cổng cầu thang,… vẫn giữ nguyên kiểu dáng từ thời Pháp
Để giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc từ thời Pháp, cô Trương Thi Bích Thủy – Hiệu trường của trường cho biết: “Trường THPT Trưng Vương là một ngôi trường cổ có kiến trúc độc đáo của thành phố. Ban giám hiệu chúng tôi luôn xem trọng việc giữ được cái hồn của ngôi trường. Năm 2002 là năm trường sửa chữa lớn nhất, hằng năm đều có tu bổ như quét vôi, hệ thống cửa chỗ nào mục nát đều được thay đúng màu sắc, kích cỡ như ban đầu… Cây xanh trong khuôn viên trường được quan tâm chăm sóc cẩn thận để giữ gìn màu xanh cho trường”.
Khung cảnh nên thơ nhìn từ ban công trường
Trên các tầng lầu, những phòng học thoáng đãng, ánh sáng đầy đủ qua các khung cửa cao lớn. Tựa người vào ban công, chúng tôi giật mình bắt gặp bóng mình đang đứng giữa một khung cảnh thơ mộng. Hàng phượng vĩ dang rộng tán lá xanh mát, bầy chim sẻ chíu chít chuyền cành, lắm lúc còn nghe cả tiếng vượn hú từ Thảo cầm viên nằm sát bên trường. THPT Trưng Vương – một ngôi trường cổ nhưng đầy chất thơ.
Vì sao trường vẫn chưa được xếp hạng di tích cấp TP? Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích (Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM) cho biết: “Trường THPT Trưng Vương nằm trong danh mục kiểm kê di tích của thành phố. Theo quy trình thì tất cả công trình nằm trong danh mục kiểm kê di tích thành phố thì sẽ lên kế hoạch lập hồ sơ để xếp hạng di tích. Để xếp hạng di tích thì đơn vị quản lý ở trường phải có đơn đồng ý xếp hạng di tích. Riêng trường Trưng Vương thì chưa. Những công trình đã được vô danh mục kiểm kê di tích của thành phố thì đều được đối xử như những di tích. Việc sửa chữa đều phải tuân thủ theo quy trình của Luật di sản văn hóa”. Cô Trương Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương chia sẻ: “Trường không từ chối việc xếp hạng di tích. Là một ngôi trường có lịch sử lâu đời,nếu được công nhận là di tích cấp thành phố thì đó là một vinh dự lớn, đầy tự hào của tập thể thầy trò trường Trưng Vương. Phía bên Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM có gửi cho trường mẫu để đăng kí xin xếp hạng di tích nhưng chưa có tư vấn, hướng dẫn cụ thể nên chúng tôi còn lấn cấn. Hiện nay, tầng 2 khu B của trường theo tác động của thời gian đã có nhiều hạng mục xuống cấp. Trường đã lập hồ sơ sửa chữa trình Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố để xin ý kiến. Phía bên Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng cho người xuống kiểm tra và sắp tới phối hợp với trường sửa chữa. Việc giữ gìn một ngôi trường có kiến trúc độc đáo càng phải được chú trọng”. |