Sơ cứu các trường hợp bị ngộ độc trong ngày Tết

Một số kiến thức sơ cấp cứu các loại ngộ độc rất hữu ích sẽ được ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Huấn luyện sơ cấp cứu thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cung cấp cho bạn đọc.

Ngộ độc là tình trạng chất độc vào cơ thể với liều lượng đủ có thể gây tổn thương nhanh hoặc lâu dài. Có hai loại ngộ độc:

 + Ngộ độc cấp: Chất độc khi xâm nhập cơ thể gây ảnh hưởng nhanh đến sức khỏe. Ví dụ: ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc…

 + Ngộ độc mãn: Chất độc ảnh hưởng chậm và lâu dài đến sức khỏe. Ví dụ: Ngộ độc thuốc lá, rượu, nguồn nước…

Các hình thức xâm nhập chất độc vào cơ thể:

 1- Qua đường tiêu hóa.

2- Qua đường hô hấp.

3- Qua da, niêm mạc.

4- Qua đường máu.

Ngộ độc qua đường tiêu hóa:

Dấu hiệu nhận biết:

- Đau bụng, nôn, buồn nôn.

- Tiêu chảy.

- Dấu hiệu toàn thân: Đau đầu, da nổi mẩn đỏ, lưỡi sưng to, khó thở, lơ mơ hoặc bất tỉnh…

Nhân viên y tế đang chăm sóc một bệnh nhân uống thuốc trừ sâu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nguyên nhân:

- Ngộ độc thức ăn, ngộ độc nấm, lá ngón, cá nóc, sứa...

- Uống hóa chất: Thuốc trừ sâu, bả chuột, chất tẩy rửa, dầu hôi, acid…

- Uống thuốc quá liều: Thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc sốt rét, thuốc trợ tim…

Xử trí:

-         Gây nôn.

-         Uống than hoạt, nước.

-         Nếu nạn nhân bất tỉnh còn thở: Giữ thông đường thở.

-         Nếu nạn nhân bất tỉnh không thở: Tiến hành thổi ngạt kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực (CPR – xem bài “5 bước sơ cứu nạn nhân bất tỉnh do chen lấn, chờ đợi”).

-         Chuyển ngay cơ sở y tế.

Lưu ý: Không gây nôn trong trường hợp nạn nhân bị bỏng đường tiêu hóa do uống nhầm acid hoặc chất kiềm. Chỉ cho nạn nhân uống từng ngụm sữa hoặc nước.

Ngộ độc qua đường hô hấp:

Dấu hiệu nhận biết:

- Khó thở, hoa mắt, chóng mặt.

- Tím tái.

- Bất tỉnh, có thể ngừng thở.

Nạn nhân hít phải hơi gas được điều trị tại bệnh viện sau khi đã được sơ cứu tại nhà. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nguyên nhân:

- Hít phải hơi gas, khói trong các đám cháy, khói của than đá, các loại khí độc trong hầm mỏ hoặc giếng sâu…

Xử trí:

-         Sơ cứu viên cần phải bảo đảm an toàn khi tiếp cận với nạn nhân.

-         Đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khói, khí độc.

-         Làm thông đường thở cho nạn nhân.

-         Nếu nạn nhân bất tỉnh xử trí như bài bất tỉnh (xem bài “5 bước sơ cứu nạn nhân bất tỉnh do chen lấn, chờ đợi”).

Ngộ độc qua da, niêm mạc:

Dấu hiệu nhận biết:

- Tại chỗ: Sưng, nóng, đỏ, đau, có thể có các nốt phồng..

- Toàn thân: Dấu hiệu sốc, bất tỉnh…

Nhân viên y tế đang xem vết rắn cắn cho một bệnh nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nguyên nhân:

- Thuốc trừ sâu.

- Động vật cắn, chích: Rắn, ong, bò cạp, rết…

Xử trí:

-         Rửa sạch chỗ da bị tổn thương bằng nước sạch. Nếu có vết thương cần sơ cứu vết thương phần mềm.

-         Hạn chế cử động chi (tay, chân) bị tổn thương.

-         Nếu nạn nhân bất tỉnh, sơ cứu như bài bất tỉnh (xem bài “5 bước sơ cứu nạn nhân bất tỉnh do chen lấn, chờ đợi”).

-         Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

Ngộ độc qua đường máu:

Dấu hiệu nhận biết:

- Tại chỗ: Ngay chỗ tiêm có sưng, nóng, đỏ

- Toàn thân: Có dấu hiệu sốc phản vệ như buồn nôn, nôn, tay chân lạnh, da xanh tái, lơ mơ hoặc bất tỉnh…

Một bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc đang được nhân viên y tế điều trị. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nguyên nhân:

- Thường do sốc phản vệ khi tiêm các loại thuốc gây dị ứng, tiêm ma túy…

Xử lý:

-         Giữ thông đường hô hấp.

-         Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng tim, phổi cần tiến hành phương pháp CPR (xem bài “5 bước sơ cứu nạn nhân bất tỉnh do chen lấn, chờ đợi”).

-         Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế sau khi thu thập và xác định nguyên nhân gây ngộ độc

Những điểm cần ghi nhớ:

-         Tất cả các trường hợp ngộ độc đều phải chuyển về cơ sở y tế để được chăm sóc chuyên môn.

-         Phòng ngừa người thực hiện sơ cứu ngộ độc có thể bị ngộ độc khi đang sơ cứu người bị ngộ độc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.