Trả 200.000 đồng/câu chuyện tử tế trên Facebook

Trên Facebook của mình, nhóm Happier và chị Phạm Trinh thường xuyên chia sẻ hoạt động của những tình nguyện viên đang giúp đỡ, chăm sóc các bệnh nhi tại bệnh viện (BV). Các em được chăm sóc, trò chuyện, tổ chức sinh hoạt vui chơi như một cách thức chữa bệnh bằng tinh thần. Những bức ảnh, câu chuyện đều hashtag cụm từ “lan tỏa tử tế” (#lantoatute) để chia sẻ.

Một trong những người thường xuyên chia sẻ và like mạnh các câu chuyện là Trần Hà Thái Quyên (quận 11, TP.HCM). Quyên cho biết: “Em được biết mỗi khi một câu chuyện tử tế có hashtag xuất hiện trên Facebook thì Quỹ “Rút ngắn khoảng cách” sẽ được tài trợ 200.000 đồng. Em thấy việc mình share để giúp lan tỏa cũng là một việc làm tốt nho nhỏ. Em không có tiền để đóng góp thì em đóng góp sức của mình. Trước đây em là tình nguyện viên của quỹ, tham gia viết bài cho các chiến dịch của quỹ”.

Số tiền 200.000 đồng cho mỗi hashtag sẽ được trả cho người tham gia viết bài nhưng người viết không nhận tiền mặt mà chuyển số tiền đó vào quỹ của dự án để giúp người yếu thế.

Các tình nguyện viên nhóm Happier chăm sóc tinh thần cho các bệnh nhi tại BV Nhi đồng 1. Đây là một trong những dự án đã được LIN tài trợ. Ảnh: Quang Trầm

Xoa dịu cơn đau của bệnh nhi

Trần Thu Thắm, nhân viên truyền thông của dự án “Rút ngắn khoảng cách” (của Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN), cho biết cách đây hai năm chị đã đến BV Nhi đồng 1 để tìm hiểu dự án chăm sóc tinh thần cho bệnh nhi của nhóm Happier do chị Phạm Trinh, điều dưỡng của BV, sáng lập. Chị Phạm Trinh nhận thấy bệnh nhi quá đông, các bác sĩ cố gắng hết sức cũng không thể có đủ thời gian để hỏi thăm, động viên, trò chuyện với từng bệnh nhi. Trong khi đó, nhiều cha mẹ còn lúng túng trong việc chăm con, chưa xoa dịu được những nỗi sợ, nỗi đau của các bé.

Kế hoạch của Happier là tổ chức sinh hoạt vui chơi, tặng quà, trò chuyện thường xuyên với các em. Nhóm mời các bác sĩ trò chuyện với phụ huynh về kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhi, cách trò chuyện với con. Những hoạt động này đều nhằm mang lại cho các bệnh nhi một cuộc sống tinh thần mạnh mẽ hơn, điều mà các BV chưa thể làm được vì thường xuyên quá tải.

Không có ai tài trợ cho Happier. Chị Phạm Trinh đã kết nối với LIN. Sau khi khảo sát, LIN đã hỗ trợ cho Happier đủ kinh phí bước đầu để chăm sóc bệnh nhi khoa Tim mạch. Sức khỏe của các em được cải thiện tốt. Sau đó đã có một số nhà tài trợ đến với Happier, nhân rộng hoạt động của nhóm này đến với các khoa khác.

Chị Thu Thắm hạnh phúc bày tỏ: “Nếu bạn giúp ai đó một lần thì sẽ trăn trở mãi với câu hỏi họ sẽ ra sao sau khi chúng ta quay về. Còn giúp họ bằng một dự án có thể thay đổi một cuộc đời hay nhận thức của rất nhiều người”.

Chia sẻ những câu chuyện hay

Anh Phạm Trường Sơn, Giám đốc hỗ trợ của LIN, cho biết kể từ khi thành lập năm 2011, mỗi năm LIN chọn những chủ đề khác nhau để thực hiện các dự án lan tỏa những điều tốt đẹp. Năm ngoái là “100 ngày xanh”, các năm trước đó chủ đề giúp người nhập cư, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em…

Đến ngày 1-9, chương trình đã tạm khép lại nhưng vẫn có bạn nhắn tin đến anh Trường Sơn: “Hôm nay em mới làm một việc tử tế mà lại hết chiến dịch rồi”. Sau đó hashtag #lantoatute lại tiếp tục được đăng trong ngày.

Bạn Huệ Chi chia sẻ câu chuyện nhẹ nhàng: “Bữa qua ở sân bay gặp một anh đãng trí giống mình, ảnh để quên CMND và vé máy bay trong giỏ ở quầy an ninh soát đồ, xách valy hồn nhiên đi thẳng, mình lập tức chạy theo đưa ngay chứ vài phút sau thất lạc chắc tìm muốn khóc. Luôn cần những người tử tế ở mọi nơi để trợ giúp những kẻ đãng trí trời cho như mình”. Facebooker Nguyen Le Thi chia sẻ cô ấy đã chuẩn bị những bộ đồ còn rất mới để đem tặng người nghèo, trong đó có những bộ còn “nguyên tem”. Những câu chuyện nhẹ nhàng này đã được tiếp tục lan tỏa.

Đại diện của LIN cho biết thực ra các nhà tài trợ đã đồng ý tài trợ đủ tiền cho chiến dịch. Tuy nhiên, vì muốn cộng đồng chú ý và quan tâm hơn nữa đến những câu chuyện đẹp diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống nên họ chọn phương án trả tiền cho mỗi câu chuyện tử tế được đăng lên mạng xã hội. Tính đến lúc này, quỹ đã nhận được 170 triệu đồng cho chiến dịch “lan tỏa tử tế”.

Chị Trần Thu Thắm tâm sự: “Trên các trang thông tin và Facebook, những chuyện tiêu cực, giật gân lấn át đi những câu chuyện đẹp. Con đường để mang những câu chuyện đẹp này đi xa không phải dễ dàng nhưng tôi và các bạn tôi chắc chắn có đủ kiên nhẫn và thời gian”.

Đến giai đoạn chung kết cuối tháng 9, LIN sẽ mời các tình nguyện viên và người dân “bỏ phiếu” chọn ra dự án nào tốt nhất trong số các dự án được chọn.

Các dự án sẽ được LIN lấy ý kiến để tài trợ sau khi chiến dịch #lantoatute kết thúc:

1. Mái ấm khiếm thị Thiên Ân đề xuất ý tưởng hỗ trợ người khiếm thị chủ động tìm kiếm việc làm.

2. Dự án Cầu Hàn đề xuất giải pháp giảm tỉ lệ bỏ học sớm của trẻ nhập cư tại cộng đồng Cầu Hàn, quận 7.

3. Tổ chức CEPORER Hóc Môn đề xuất giải pháp đưa nước sạch về hỗ trợ các hộ dân khu vực này.

4. Dự án Hear.Us.Now đề xuất ý tưởng hướng dẫn người khiếm thính chủ động học tập thông qua biết tiếng Anh.

5. Nhóm Happier có ý tưởng hỗ trợ phụ huynh biết cách chăm sóc trẻ tự kỷ tại nhà.

6. Mạng lưới ung thư vú Việt Nam đề xuất giải pháp xây dựng thư viện tóc giả hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú.

__________________________________

Trả 200.000 đồng/câu chuyện tử tế trên Facebook ảnh 2

Tôi chọn cách lan tỏa những điều tử tế từ chính gia đình mình trước, tôi thường kể cho mọi người trong nhà những điều tử tế tôi biết được, tôi đọc được trên Facebook và khuyến khích mọi người chia sẻ. Qua các dự án vì cộng đồng, tôi nhận được rất nhiều phản hồi tốt đẹp, những câu chuyện đẹp từ cuộc sống ngoài kia.

Anh PHẠM TRƯỜNG SƠN,
Giám đốc hỗ trợ của LIN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm