Ông già 70 khám phá Hymalaya

Di sản thiên nhiên thế giới Rara là trọng điểm du lịch trong hai tuần lễ ở Nepal của chúng tôi. Đó là vườn quốc gia có hồ Rara nổi tiếng thế giới nằm ở độ cao 3.500 m trên dãy núi Hymalaya, giáp biên giới Tây Tạng.

Từ thủ đô Kathmando đến Rara non 1.000 km, bằng xe Jeep hai cầu chúng tôi phải đi mất ba ngày, đường đi khá vất vả nhưng đầy thú vị.

Ngày đầu đến Kotralpur, xe chúng tôi đi xuyên qua những khu rừng nguyên sinh dài vài trăm cây số. Rừng đầy cây cổ thụ dầu, trắc, gụ, bằng lăng… to khoảng vài người ôm, có lúc gặp cả những ngọn núi đầy hoa đỗ quyên đỏ ối. Người hướng dẫn cho biết rừng còn khá nhiều cọp, voi, gấu, còn khỉ thì nhiều không kể xiết, chạy nhảy đầy đường. Trên đường chúng tôi đã sáu lần gặp chồn. Chúng chạy qua chạy lại trước đầu xe, có con mập ú, đứng ven đường tròn xoe mắt nhìn xe chúng tôi chạy qua. Một lần người lái xe chỉ tay xuống mấy chấm đen ở sườn núi đối diện và nói đó là bầy bò rừng đang đi ăn.

Ngày thứ hai, xe bắt đầu leo dốc đi vào dãy núi cao 3.000 m của Hymalaya. Xe trồi lên hụp xuống hết ngọn núi này đến ngọn núi khác. Dưới thung lũng nhìn lên, đoàn xe vận tải trên đỉnh đèo bò như đàn kiến li ti. Lên cao không còn đường, chỉ có lối mòn, đá cuội lổn ngổn rất khó đi, xe cứ nhích từng chút một, nghiêng bên này, nghiêng bên kia như gã say rượu. Lúc leo dốc xe dựng đứng như con gấu đứng hai chân. Thót tim nhất là những khúc cua tay áo, tay lái chỉ cần lệch một chút là xe lao xuống vực. Tôi không biết Quách Tĩnh ngày xưa hàng phục con hãn huyết bảo câu ra sao, nhưng ngồi xe tôi có cảm giác như Kim Dung mô tả. Lúc dừng xe bước xuống, không biết vì say độ cao hay vì xe dằn xóc mà người tôi lảo đảo chực té, phải đứng một lúc lâu mới đi lại được.

Những người đến Rara lần đầu rất dễ ngộ nhận hai từ “hotel” và “restaurant” mà dân địa phương thường dùng. Suốt bảy ngày khám phá Hymalaya, chúng tôi ở trong những “hotel” là những chái bếp hoặc kho nông cụ, không điện, không toilet, gió thổi ngun ngút suốt đêm. Còn “restaurant” là những căn bếp ám khói, cửa thấp lè tè phải khum người chui vào, ngồi bệt quanh đống lửa đỏ, “restaurant” nào cũng bán một món duy nhất là cơm đabat (cơm trắng và ít thịt dê kho mặn).

Càng lên cao nhiệt độ càng thấp, những con suối ven đường đã đóng băng. Tối nhiệt độ xuống âm 2 độ, lạnh ghê hồn, sáng ra ngọn đồi trước mặt tuyết phủ trắng xóa.

Vất vả là vậy nhưng chúng tôi đã trải nghiệm bao điều ký thú. Ở đây gần biên giới Tây Tạng, nhà ở rải rác khắp sườn đồi, nhà mái bằng cửa sơn hai màu hồng và xanh lợt, cờ phướn ngang dọc tứ tung.

Chúng tôi đã gặp những phụ nữ trang sức bằng những vòng khoen xỏ ngang vách ngăn lỗ mũi. Trai gái Nepal khá đẹp với làn da nâu, thân hình thon thả, mắt sâu, mũi thẳng. Một đêm ngủ lại ở Rakam chúng tôi đã ca hát, nhảy múa đến khuya các bài dân ca, dân vũ của hai nước Việt Nam, Nepal.

Sau ba ngày dằn xóc, cuối cùng chúng tôi cũng đến Rara. Buổi sáng thức dậy, đập vào mắt chúng tôi là rừng tùng, tuyết trắng và chim. Cơ man nào là quạ, đại bàng, diều hâu chao liệng khắp bầu trời. Đường đến hồ khá xa, chỉ có thể cưỡi ngựa hoặc đi bộ. Lần đầu tiên cưỡi ngựa cảm giác thật lạ lẫm, người cứ chòng chành, nhưng chỉ sau 15 phút là quen, cứ muốn phi nước đại. Ngựa đi qua những rừng tùng âm u quanh năm không có ánh mặt trời, đi qua những thảo nguyên mênh mông. Bây giờ là mùa đông, thảo nguyên nhuộm một màu nâu sậm của cỏ cháy. Người ta nói đến mùa xuân thảo nguyên là vườn địa đàng cỏ xanh bát ngát với đủ loài hoa khoe sắc làm say đắm lòng người.

Hồ Rara đây rồi, là hồ rộng nhất và sâu nhất Nepal, có chỗ sâu đến 27 m, nước đổi màu liên tục trong ngày tùy thời tiết và màu sắc rừng tùng ven hồ. Hồ vắng lặng im ắng đầy vẻ thanh bình, không có ai ngoài chúng tôi. Người quản lý Rara cho biết ba chúng tôi là những người Việt Nam đầu tiên tìm đến Rara và lần đầu tiên họ nhìn thấy một ông già bảy mươi tuổi là du khách đến đây.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Lời chào còn lại của phố

Lời chào còn lại của phố

(PL)- Giống như một lời chào, có khi dịu dàng, có khi vồn vã quá, mùi hương cất lên tiếng nói trước khi người đi qua phố nhìn thấy bóng cây.