Sáng 16-8, hai bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã được công bố khỏi bệnh.
Cụ thể, bệnh nhân số 615 đã được bệnh viện đưa về địa phương, riêng bệnh nhân 582 (55 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phải ở lại tiếp tục điều trị các bệnh lý khác.
Bệnh nhân 615 xuất viện. Ảnh; T.AN
Ngay sau khi được điều trị khỏi bệnh COVID-19, bệnh nhân 582 đã gửi tặng các y, bác sĩ một bó hoa ngay trên giường bệnh để bày tỏ sự biết ơn.
Những dòng chữ đầy xúc động của bệnh nhân 582 gửi tới đội ngũ y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: T.AN
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 582) cho biết đặc thù của bệnh nhân COVID-19 có diễn biến phổi rất nhanh.
Nếu chúng ta quyết định thời điểm chậm trễ, không có đầu tư trang thiết bị y tế, khi bệnh nhân diễn biến nặng không can thiệp kịp thời, không can thiệp kịp ECMO thì nguy cơ tử vong rất cao.
“Bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, diễn tiến bệnh rất bất thường. Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng, tổn thương gan, thận, chúng ta phải có chiến lược điều trị sớm, lọc máu, thậm chí thay huyết tương khi có dấu hiệu suy gan. Điều này đỏi hỏi kinh nghiệm cũng như phác đồ chuẩn mực và cập nhật điều trị liên tục cho các bệnh nhân nặng”- bác sĩ Linh nói.
Theo BS Linh, những bệnh nhân nặng phải được theo dõi thường xuyên, không chỉ là bác sĩ mà các điều dưỡng lúc nào cũng ở bên cạnh để chăm sóc toàn diện từ vệ sinh cho đến vật lý trị liệu, không ngại nguy cơ lây nhiễm. Vì một mục tiêu duy nhất là cứu sống người bệnh, đưa bệnh nhân ra khỏi cửa tử càng sớm càng tốt.
“Tới thời điểm này với kết quả bốn lần âm tính liên tục thì chúng ta khẳng định bệnh nhân 582 đã hết COVID-19. Tuy nhiên bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi chức năng, điều trị suy tim, tăng huyết áp, chúng tôi nghĩ trong vòng 1 tuần nữa, bệnh nhân có thể ổn định và xuất viện” – BS Linh cho hay.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy) thông tin về quá trình điều trị cho bệnh nhân 582. Ảnh: T.AN
Nói về sự khác nhau giữa bệnh nhân 582 với bệnh nhân 91 (bệnh nhân phi công người Anh- PV), BS Linh cho biết mỗi bệnh nhân có một tình trạng khác nhau.
Bệnh nhân 91 thì béo phì, tăng huyết áp, tổn thương phổi, quá trình nằm kéo dài, mắc nhiễm trùng, thời gian điều trị kéo dài 56 ngày. Còn bệnh nhân 582, từ những kinh nghiệm đã có, các bác sĩ đã có những biện pháp quyết liệt ngay từ đầu, cho ECMO sớm nên tiến triển thuận lợi hơn.
“Không phải riêng chúng tôi mà rất nhiều anh em y tế từ bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng ra tiếp sức để cùng với Đà Nẵng khống chế dịch bệnh, cứu sống bệnh nhân càng nhanh càng tốt. Hành trang chúng tôi mang theo bây giờ là tâm thế quyết tâm dập dịch càng sớm càng tốt. Khi nào hết dịch thì các anh em lúc đó mới trở về”- bác sĩ Linh chia sẻ.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, cho biết hiện tại bệnh viện còn 18 ca bệnh, trong đó có hai ca nặng, bảy ca nguy kịch. Các ca nguy kịch đều có sự hỗ trợ đắc lực của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đà Nẵng trong công tác điều trị.
“Các ca bệnh hiện nay chưa nói được điều gì, tuy nhiên sáng nay chúng ta công bố một ca bệnh nặng là ca đã 5 lần âm tính với COVID-19. Đây là một sự thành công, chúng tôi công bố để người dân hiểu chúng tôi đã làm hết sức, sẵn sàng làm hết sức để hỗ trợ, cứu tất cả bệnh nhân. Tôi hi vọng những ca bệnh khác cũng được công bố khỏi bệnh trong những ngày tới” – bác sĩ Phúc nói thêm.