'1 kg tôm chuyển lên miền núi đắt hơn từ Ecuado về Việt Nam'

Ngày 23-11, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 diễn ra tại Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Chủ đề của diễn đàn lần này là “Logistics nâng cao giá trị nông sản”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2019, ngành dịch vụ logistics tiếp tục tốc độ tăng trưởng của các năm trước với mức độ tăng khoảng 13%-15%/năm nhờ đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TẤN VIỆT

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về chỉ số hoạt động logistics (LPI) công bố tháng 7-2018 cho thấy VN đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ ba trong các nước ASEAN. VN cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà VN có được kể từ khi WB thực hiện việc xếp hạng chỉ số hoạt động logistics trong thập niên qua.

“Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để VN nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt” - bộ trưởng Công Thương nói.

Tuy vậy, theo ông Trần Tuấn Anh, ngành logistics VN vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, quy mô và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp logistics VN còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng chi phí để 1 kg tôm từ miền Nam tới tay người tiêu dùng miền Bắc còn cao hơn chi phí 1 kg tôm từ Ecuado (châu Mỹ) về Việt Nam.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay mỗi năm VN xuất khẩu khoảng 40 triệu tấn hàng nông sản đến 185 quốc gia. Tuy nhiên, nông sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu là hàng thô nên giá trị thấp.

Trong những năm tới, ngành nông nghiệp xác định đi sâu vào chuỗi giá trị nông sản, không chỉ tập trung vào sản lượng xuất khẩu thuần túy. “Vai trò của logistics là quan trọng để đáp ứng được mục tiêu này” - bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo diễn đàn. Ảnh: TẤN VIỆT

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những tồn tại, hạn chế trong ngành logistics đang diễn ra ở nước ta. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Tuy nhiên, một nghịch lý là chi phí logistics của Việt Nam đang khá cao. Ví dụ như 1 kg quả thanh long xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không có chi phí logistics khoảng 3,5 USD, nếu giá bán 7 USD thì chi phí logistics đã chiếm mất 50%.

"Tôi từng nghe một doanh nghiệp kể chuyện, 1 kg tôm chuyển lên khu vực miền núi (trong nước) đắt hơn chuyển 1 kg tôm từ Ecuado về Việt Nam... Đó chính là do chi phí logistics của chúng ta chưa hợp lý" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Một trong những lý do là công tác phối hợp, nghiên cứu, quy hoạch của các bộ, ngành và địa phương chưa tốt. Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng để phát triển ngành logistics VN bền vững.

“Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế - chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Cần chỉ ra những nguyên nhân, dự báo chiều hướng phát triển, phân tích tác động tới khu vực cũng như nước ta, từ đó đề xuất với Chính phủ những chủ trương, quyết sách phù hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.

Trong thời gian tới phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vì đây là yếu tố giúp cho doanh nghiệp logistics trong nước có thể mạnh lên. Chúng ta dần dần hiện đại hóa ngành này như sử dụng robot thay con người, sử dụng xe chuyển hàng tự động, ứng dụng QR, tối ưu hóa tồn kho dựa trên dữ liệu điện toán đám mây...

 Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải biết chia sẻ năng lực, chia sẻ phương tiện... để tránh những việc đang diễn ra trong thực tế như container rỗng chiều về, hàng hóa xếp vào một container thì thiếu mà xếp vào hai container thì thừa... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới