Chiều nay (23-10), theo nghị trình, Quốc hội sẽ dành thời gian nghe báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 20-10 vừa qua. Ảnh: quochoi.vn
Đình chỉ 16 người do hành vi không cấu thành tội phạm
Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết năm 2021, toàn ngành kiểm sát tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng chất lượng truy tố, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, hoàn thành tốt chỉ tiêu của Quốc hội.
Theo đó, các kiểm sát viên đã tích cực, chủ động tiến hành các hoạt động điều tra theo thẩm quyền; hỏi cung bị can, nhất là đối với những vụ án phức tạp, chứng cứ có nhiều mâu thuẫn, khiếu kiện, oan sai, bức xúc.
Báo cáo cho hay, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 và yêu cầu giãn cách xã hội nhưng toàn ngành đã trực tiếp hỏi cung gần 46.000 bị can (tăng gần 33%), nhằm bảo đảm các quyết định truy tố đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tòa án trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ, thay đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND Tối cao thừa nhận còn để xảy ra 16 trường hợp Cơ quan điều tra, VKS đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm (Cơ quan điều tra đình chỉ 12 trường hợp, Viện kiểm sát đình chỉ 4 trường hợp). Đây là những vụ án mà ở giai đoạn điều tra, truy tố, tài liệu ban đầu có căn cứ xác định hành vi phạm tội, cần tiến hành khởi tố điều tra nhưng quá trình điều tra, thu thập chứng cứ xác định hành vi của bị can không cấu thành tội phạm.
“Viện trưởng VKSND Tối cao đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo đơn vị, kiểm sát viên để xảy ra vi phạm”- báo cáo cho biết.
Trách nhiệm của Viện kiểm sát
Thẩm tra báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao, Uỷ ban Tư pháp đánh giá năm 2021, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh tiếp tục vượt so với chỉ tiêu của Quốc hội giao. Đặc biệt theo báo cáo, số trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của VKSND giảm so với năm 2020 (năm 2020 là 77 trường hợp; năm 2021 là 16 trường hợp).
Cạnh đó, VKSND đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra các cấp trong khởi tố, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng: Số vụ án khởi tố tăng hơn 15%; đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình, đánh giá cao; tỷ lệ vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ bị TAND trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm so với năm 2020...
Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp nêu vẫn còn 16 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của VKSND. Công tác kiểm sát việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp còn chưa chặt chẽ, dẫn đến bị can phạm tội mới, bỏ trốn và phải ra lệnh truy nã.
Số vụ án TAND trả hồ sơ cho VKSND yêu cầu điều tra bổ sung còn nhiều, trong đó có 85 vụ TAND trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới (VKSND đã khởi tố 23 vụ theo yêu cầu của TAND). Uỷ ban Tư pháp cho rằng điều này phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với những vụ án này còn có phần hạn chế.
Ngoài ra, vẫn còn một số vụ án VKSNDTC phân công VKSND địa phương thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm nhưng sau đó bị TAND địa phương trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
“Đề nghị VKSND Tối cao báo cáo có bao nhiêu trường hợp VKSND đã phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ của cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng người bị bắt, bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật (khoản 1 Điều 35 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)”- cơ quan thẩm tra của Quốc hội yêu cầu.
38 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt
Liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Uỷ ban Tư pháp đánh giá năm 2021, VKSND các cấp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa được tăng cường; không để xảy ra trường hợp nào VKSND truy tố mà TAND cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội.
Cạnh đó, số lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm tăng so với năm 2020; tỷ lệ kháng nghị được TAND chấp nhận đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Chất lượng các kiến nghị, yêu cầu TAND khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử được nâng cao, tỷ lệ kiến nghị được TAND tiếp thu, thực hiện đạt 99,6%.
Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong lĩnh vực hình sự đạt 67,5% về số việc, so với chỉ tiêu Quốc hội giao là "trên 60%".
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Tư pháp, vẫn còn 32 trường hợp VKSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố (tăng 9,4%); 38 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến TAND phải xét xử về khung hình phạt khác hoặc xét xử về tội danh khác so với tội danh VKSND đã truy tố.
Cũng theo Uỷ ban Tư pháp, chất lượng kháng nghị phúc thẩm của VKSND trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị (45 trường hợp).
Khởi tố nhiều vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID- 19 Từ 1-10-2020 đến 30-9-2021, cơ quan chức năng khởi tố mới hơn 86.000 vụ án, hơn tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, nhóm tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 364 vụ, tăng hơn 15%, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án. Nguyên nhân số vụ án khởi tố mới tăng chủ yếu do dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, làm phát sinh nhiều tội phạm và nhiều vụ án khởi tố mới có liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Cơ quan chức năng đã khởi tố 64 vụ/27 bị can về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (tăng 100% số vụ); 44 vụ/48 bị can về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (tăng 100%); 350 vụ/938 bị can về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (tăng gần 230%); 552 vụ/731 bị can về tội chống người thi hành công vụ (tăng hơn 210%). (Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao) |