10 năm và một đề án đổi mới

Trong đó, một hoạt động được coi là đột phá sẽ là công khai kết quả bỏ phiếu, người nào không đủ phiếu tín nhiệm quá bán hai lần liên tiếp so với tổng số đại biểu Quốc hội sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.

Được biết theo lộ trình, đề án này sẽ được Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp thứ 3 sắp tới và tại kỳ họp thứ 4 sẽ có quy chế (về đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm cụ thể) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng.

Đây là bước cụ thể hóa một quyền vốn dĩ thuộc về Quốc hội: Bày tỏ thái độ về những nhân sự cấp cao đang nắm giữ trọng trách nhưng lại không đủ tín nhiệm, tức là không hoàn thành nhiệm vụ hoặc mắc khuyết điểm đến mức cử tri không còn chấp nhận.

Tuy nhiên về vấn đề này có những ý kiến cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, đến nay có hiệu lực đã ngót 10 năm, vậy đề án đổi mới có khả thi hơn không, hay lại chỉ quy định “cho vui” như trước?

Ví dụ ở đạo luật nói trên đã quy định rõ chỉ cần có đủ 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị hoặc một ủy ban của Quốc hội đề nghị thì bất kỳ một chức danh nào do Quốc hội quyết cũng bị đưa ra bỏ phiếu. Thế nhưng thực tế 10 năm qua, quy định rất tiến bộ này chưa một lần được thực thi, dù ở nhiều kỳ họp có đại biểu A, đại biểu B đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với bộ trưởng X, Y, Z nào đó do đã để xảy ra nhiều sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Chính vì thế bên cạnh đề án đổi mới này, cử tri mong rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, phân tích rõ nguyên nhân tại sao 10 năm qua một thủ tục rất đơn giản và cũng là thông lệ ở các nghị viện trên thế giới lại không thực thi được?

Và từ căn cứ đó mới có thể đưa ra các giải pháp khả thi, chứ không khéo cử tri lại phải tiếp tục đợi nhiều năm nữa?!

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm