10 sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2023

(PLO)- Tối ngày 8-1, Bộ Y tế công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2023 trong đó có sự kiện COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

1. Ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Ngày 24-6-2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Ngày 25-10-2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Chỉ thị hướng tới mục tiêu phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

Nghị quyết của Quốc hội cùng Chỉ thị 25-CT/TW đã mở ra định hướng phát triển mới cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.

nhin-lai-10-su-kien-noi-bat-nganh-y-te-nam-2023-6158.png
Định hướng phát triển mới cho y tế cơ sở, y tế dự phòng là một trong 10 sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2023. Ảnh: PLO

2. Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Ngày 9-1-2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Khóa XV, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây được xem là một trong 10 sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2023.

Luật được xây dựng lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách của Nhà nước, một số thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa tối đa các trình tự, quy trình, thủ tục, hồ sơ; giảm thời gian xem xét để cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động…

3. Bộ Y tế tham mưu, xây dựng nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế và vaccine

Ngày 9-1-2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến 31-12-2024.

Ngày 3-3-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.

Nghị định này đã giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.

Ngày 4-3-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Nghị quyết này cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.

Ngày 30-6-2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Tháng 7 và tháng 12 năm 2023, Chính phủ ban hành các Nghị quyết về việc bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế để mua vaccine, và về việc bảo đảm kinh phí mua sắm vaccine cho Tiêm chủng mở rộng.

cong-bo-10-su-kien-noi-bat-nganh-y-te-nam-2023-9214.png
Trẻ nhỏ được gia đình đưa đi tiêm chủng vaccine. Ảnh: MINH TRƯỜNG

4. Tháo gỡ cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh

Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, tháo gỡ vướng mắc về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Ngày 29-6-2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu.

5. UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Ngày 21-11-2023, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân Văn hóa và Sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Nghị quyết của UNESCO thông qua là sự khẳng định rõ ràng về những đóng góp to lớn của Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt trên trường quốc tế.

Sự kiện UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong 10 sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2023. Sự kiện này một lần nữa khẳng định vị thế của nền y học cổ truyền, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

6. COVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch

Theo Quyết định 3896/QĐ-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 20-10, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

ve-10-su-kien-noi-bat-nganh-y-te-nam-2023-4657.png
COVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ảnh: THANH TUYỀN

7. Ngành Y tế cải cách hành chính và chuyển đổi số mạnh mẽ

Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số có bước chuyển biến mạnh mẽ cũng là một trong 10 sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2023.

Nghị quyết 157-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế về Chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành tháng 2-2023.

Bộ Y tế kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, 100% đơn vị thuộc Bộ Y tế thành lập Tổ chuyển đổi số.

Kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện.

100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip. 63 tỉnh, thành phố triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử. 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 4.160 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Cùng với đó, 100% hồ sơ công việc của Bộ Y tế được thực hiện, quản lý trên môi trường điện tử. 100% lãnh đạo từ cấp Vụ, Cục trở lên của Bộ được cấp chữ ký số. Tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế được cung cấp trên môi trường mạng.

100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm thuận tiện cho người dân khi đi khám chữa bệnh.

100% cơ sở đào tạo nhân lực y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, tiếp tục sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hơn 1.000 cơ sở y tế trong cả nước; đẩy mạnh ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ người dân…

diem-danh-10-su-kien-noi-bat-nganh-y-te-nam-2023-2460.png
Các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức. Ảnh: TRẦN NGỌC

8. Nhiều đột phá trong phẫu thuật, điều trị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Năm 2023, số lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng tại các bệnh viện, một số bệnh viện có số lượng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước đó. Tỉ lệ người bệnh hài lòng đạt trên 90%.

Nhiều ca phẫu thuật và điều trị bệnh phức tạp đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên cả nước, khẳng định trình độ ngày càng cao của các y bác sĩ và sự phát triển của nền y học Việt Nam.

Sự phát triển này không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong nước, mà còn thu hút người bệnh nước ngoài sang Việt Nam khám, chữa bệnh.

9. Việt Nam dẫn đầu Châu Á - Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV

Tháng 7-2023, Đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 12 về Khoa học HIV tại Australia.

Tại sự kiện này, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc. Đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut (ARV), và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV.

10. Hoạt động đối ngoại của ngành Y tế được đẩy mạnh

Hoạt động đối ngoại của ngành Y tế được đẩy mạnh cũng là một trong 10 sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2023.

Năm 2023, Bộ Y tế đón chính thức 3 Đoàn cấp Bộ trưởng Y tế các nước sang thăm Việt Nam, đã ký 4 thỏa thuận quốc tế cấp Bộ và nhiều Biên bản ghi nhớ hợp tác khác để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hơn 1.800 hội nghị, hội thảo chuyên môn kỹ thuật có yếu tố nước ngoài được tổ chức trong nước. Đặc biệt Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng Điều hành Quỹ Toàn cầu được tổ chức tháng 5-2023 tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao về y tế trên thế giới. Qua đó tăng cường thu hút đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho phòng chống 3 bệnh: Lao, Sốt rét và HIV/AIDS tại Việt Nam.

Cũng trong năm qua, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp nhóm đối tác y tế quốc tế với trên 100 đại diện, cơ quan, tổ chức quốc tế tham dự, để thảo luận, chia sẻ các mục tiêu ưu tiên của ngành Y tế sau COVID-19, cũng như kêu gọi các hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế tăng cường các hoạt động đối ngoại, tham dự và có bài phát biểu tại nhiều sự kiện, diễn đàn quốc tế quan trọng.

Công tác ngoại giao vaccine được tiếp tục đẩy mạnh. Năm 2023, Việt Nam nhận được 432.000 liều vắc xin COVID-19 của Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên do COVAX hỗ trợ; vaccine trong Tiêm chủng thường xuyên, gồm 185.700 liều vaccine 5 trong 1 do WHO và UNICEF hỗ trợ; 490.600 liều vaccine 5 trong 1 do Chính phủ Australia hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm