Chị DDL (28 tuổi, ngụ Đà Nẵng) lần đầu mang thai và được theo dõi thai kỳ tại Đà Nẵng, sau đó được chuyển đến Bệnh viện (BV) Từ Dũ do phát hiện thai có bất thường nặng về tim, một dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi.
“Vá tim” cho bé từ khi còn trong bụng mẹ
Trong quá trình theo dõi tại BV Từ Dũ, bất thường tim thai bắt đầu có dấu hiệu trở nặng, có nguy cơ tử vong trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi được sinh ra.
BV Từ Dũ đã hội chẩn liên viện khẩn cấp với BV Nhi đồng 1 vào ngày 3-1, khi thai được 32 tuần năm ngày. Êkíp thống nhất kết luận nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi ngay, khả năng cao thai sẽ mất trong bụng mẹ. Nếu giải quyết cho sinh ngay, khả năng rất cao thai sẽ mất ngay sau khi được sinh ra do non tháng kèm bệnh tim nặng.
Các chuyên gia sản và nhi của hai BV thống nhất can thiệp trong bào thai bán khẩn là giải pháp phù hợp và cấp bách nhằm cứu sống thai còn trong bụng mẹ.
“Chính sự can đảm và quyết tâm của thai phụ đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh và sự dũng cảm để thực hiện ca can thiệp này.”
Ngay sáng hôm sau (4-1), êkíp phẫu thuật của BV Từ Dũ phối hợp cùng êkíp thông tim can thiệp của BV Nhi đồng 1 bắt đầu tiến hành can thiệp tim thai trong bào thai. Hai êkíp phẫu thuật cân não đảm bảo độ chính xác ở mức tuyệt đối, không một sự cố nào xảy ra trong suốt quá trình can thiệp. Kết quả cuối cùng là cuộc phẫu thuật thành công như mong đợi.
Ca thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng là sự kiện minh chứng cho nỗ lực vươn tới, tiếp cận những kỹ thuật y tế chuyên sâu. Những kỹ thuật này cho đến thời điểm hiện tại chỉ những nước có nền y khoa tiên tiến và hiện đại mới có thể thực hiện được.
TS-BS NGUYỄN ANH DŨNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Cảm ơn bệnh nhân tiên phong
TS-BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị Thông tim can thiệp (BV Nhi đồng 1), cho biết thai nhi được phát hiện bị dị tật tim bẩm sinh lúc hơn 20 tuần tuổi. Tuy nhiên, các bác sĩ không can thiệp quá sớm, vì nếu có tai biến phải lấy bé ra nhưng bé non quá sẽ không thể sống. Do vậy phải chờ thời điểm thai được 32 tuần tuổi.
Cũng theo BS Tín, trước đó có nhiều ca dị tật tim bẩm sinh không được can thiệp do thiết bị, cơ sở vật chất và tay nghề còn hạn chế. “Những ca thế này chúng tôi đã ấp ủ từ lâu, nay đủ điều kiện mới tiến hành” - BS Tín chia sẻ.
“Cách đây khoảng năm năm, ca thông tim trong bào thai đầu tiên tôi chứng kiến là ở Brazil, được truyền hình trực tiếp. Sau đó tôi đến Brazil, Ba Lan để học. Thế giới đã triển khai kỹ thuật thông tim cách đây 10 năm, phát triển mạnh nhất trong năm năm gần đây. Ngày xưa tôi ước mơ làm sao can thiệp tim cho trẻ càng sớm càng tốt, giờ đây đã làm được. Đó là thành công, là niềm vui của tôi và rất nhiều người” - BS Tín bày tỏ.
BS Tín cũng mong khi ca đầu tiên suôn sẻ thì bước kế tiếp sẽ là truyền kỹ thuật thông tim bào thai cho thế hệ sau. Nhóm bệnh này rất nhiều, nếu kỹ thuật này được nhân rộng sẽ giúp nhiều bào thai có dị tật bẩm sinh được can thiệp sớm, tỉ lệ thai chết lưu trong bụng mẹ cũng ít đi.
BS CKII Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh (BV Từ Dũ), chia sẻ: “Trước khi thực hiện, chúng tôi thành thật với bệnh nhân rằng đây là ca đầu tiên thông tim bào thai tại Việt Nam, các bác sĩ chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nghe xong, thai phụ không do dự nói quyết tâm 100% để các bác sĩ can thiệp. Chính sự can đảm và quyết tâm ấy đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh và sự dũng cảm. Hiện tình hình của thai phụ và thai nhi sau khi thông van tim đều ổn định”.
Còn BS CKI Đỗ Thị Cẩm Giang, khoa Tim mạch (BV Nhi đồng 1), cũng xúc động gửi lời cảm ơn tới thai phụ L. “Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới bệnh nhân vì những người tiên phong rất quan trọng. Họ dám chấp nhận những nguy cơ, rủi ro của ca đầu tiên để các bác sĩ có cơ hội thực hiện kỹ thuật mới, giúp cho những ca sau thuận lợi hơn”.•
Khen thưởng đột xuất êkíp hai bệnh viện
UBND TP đánh giá cao về ca thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng. Đây là kỹ thuật đặc biệt, được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, vì thế UBND TP khen thưởng đột xuất cho êkíp hai BV đã dũng cảm, tiên phong thực hiện thành công ca bệnh này.
Với những thành tựu đã đạt được năm 2023, mong trong năm 2024, toàn ngành y tế TP sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy các thành quả, đặc biệt trong phòng, chống dịch bệnh và mở rộng mối liên kết giữa TP.HCM các tỉnh, thành trong khu vực.
Với sứ mệnh của mình, TP.HCM còn có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người dân TP và người dân ở các tỉnh, thành trên cả nước. Nếu chúng ta có sự liên kết vùng tốt, phối hợp tốt thì công tác chăm sóc sức khỏe người dân chắc chắn sẽ còn có những hiệu quả tốt hơn nữa. Từ đó giúp nâng cao năng lực y tế của các tỉnh, thành bạn, giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế TP.HCM.
Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM