Ngành y tế đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao năm 2023

(PLO)- Trong năm 2023, công tác y tế đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, và 7/9 chỉ tiêu cụ thể khác của Chính phủ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều tối ngày 5-1, Bộ Y tế công bố báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Trong đó nêu rõ trước bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngành y tế đã đạt được những kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, công tác y tế năm 2023 đạt và vượt cả 3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao.

Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12,5 bác sĩ (vượt chỉ tiêu được giao là 12 bác sĩ), số giường bệnh trên 10.000 dân đạt chỉ tiêu 32 giường bệnh, và tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế cũng đạt đúng chỉ tiêu là 93,2% dân số.

Về các chỉ tiêu cụ thể được Chính phủ giao, ngành y tế đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu.

chi-tieu-y-te-916.png
Công tác y tế đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được Chính phủ giao trong năm 2023.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế như hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ. Việc mua sắm, đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra cục bộ.

Tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương và một số tỉnh, thành chưa được khắc phục. Nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nâng cấp và mở rộng quy mô khám, chữa bệnh tại các cơ sở công lập.

Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tỉ lệ tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng vẫn chênh lệch nhiều. Tỉ lệ tiêm chủng mở rộng ở một số nơi còn thấp.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước gặp khó khăn, suy giảm. Công tác kiểm định chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều cơ sở hạ tầng xuống cấp. Đầu tư phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, ít nghiên cứu tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp…

Ngoài ra, việc quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và hội nhập quốc tế. Chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế chưa phù hợp, và việc phân bổ nhân lực y tế cũng chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến.

Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ đề ra, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý của ngành.

cong-tac-y-te-nam-2023-8750.png
Chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế còn chưa phù hợp, tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động và môi trường, điều kiện làm việc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Về nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan, như tình hình thế giới phức tạp gây đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung thuốc, thiết bị y tế, giá cả tăng cao ở nhiều mặt hàng.

Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi các điều kiện kinh tế - xã hội chưa được chuẩn bị tốt để kịp thích ứng.

Bên cạnh đó, nhiều quy định, văn bản hướng dẫn được ban hành còn chậm; chính sách đãi ngộ chưa phù hợp; sự phối hợp giữa một số đơn vị vẫn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra, giám sát thực thi công vụ cũng chưa đạt hiệu quả.

Trong năm 2024, ngành y tế đặt nhiệm vụ hoàn thiện công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành; đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế; phát triển dược, trang thiết bị y tế và cơ sở hạ tầng y tế. Công tác y tế cũng sẽ tập trung đào tạo nhân lực và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; hoàn thiện các quy định về tài chính y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm