Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2017 diễn ra chiều 10-7, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Nghị quyết 58 mới đưa ra phương án đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực giấy tờ công dân, giao cho Bộ Tư pháp trên cơ sở phương án được Chính phủ thông qua rà soát để sửa đổi, bổ sung phù hợp.
“Về nguyên tắc chúng ta chưa buộc phải áp dụng Nghị quyết 58 tại thời điểm bây giờ. Nghị quyết của Chính phủ không phải văn bản quy phạm pháp luật và nhiều thủ tục phải được xử lý ở tầm luật. Đề nghị các đồng chí triển khai gấp việc này, dẫu sao chúng ta đã công bố cho người dân biết rồi và thậm chí người dân còn hiểu nhầm là đã bỏ ngay nên cần triển khai gấp theo kế hoạch. Đây là Bộ Tư pháp chủ động làm chứ không cần văn bản đôn đốc hoặc văn bản về mặt hành chính nào của cấp trên xuống” - ông Long nhấn mạnh.
Bên hành lang hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc giải thích Nghị quyết 58 của Chính phủ là “định hướng trong tương lai”, khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được thống nhất.
“Theo Luật Hộ tịch, dự kiến chậm nhất đến ngày 1-1-2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu điện tử, trên đó đã có tất cả thông tin của người dân nên các cơ quan nhà nước làm thủ tục không được yêu cầu người dân khai báo nữa” - ông Ngọc cho biết.
Trước câu hỏi Bộ Tư pháp có kế hoạch như thế nào để triển khai nghị quyết này, ông Ngọc nói việc triển khai phải có lộ trình, mốc cuối cùng luật đã quy định là đến năm 2020. “Cái khó nhất bây giờ là không có tiền, để đồng bộ đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Hiện Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp nghiên cứu nhưng phải chờ tổng kết việc thí điểm, sau đó Bộ sẽ có đề xuất chính thức”.
“Vấn đề này không chỉ có mỗi Nghị quyết 58 mà còn mười mấy nghị quyết của các bộ, ngành khác. Việc thực hiện phụ thuộc vào sự hoàn thiện của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - Cục trưởng Cục Quốc tịch, Hộ tịch và Chứng thực Nguyễn Công Khanh thông tin thêm.
Ông Khanh khẳng định trong lĩnh vực hộ tịch, từ ngày 1-1-2020, theo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, hai cơ sở dữ liệu về dân cư và hộ tịch phải hoàn thiện và kết nối với nhau, khi đó mới áp dụng để cắt giảm giấy tờ, thủ tục hành chính.
Cũng theo ông Khanh, riêng cơ sở dữ liệu về hộ tịch, đến nay đã thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành, trong năm nay triển khai thêm 13 tỉnh nữa.
“Những địa phương nào thí điểm đã kết nối cơ sở dữ liệu, về lý thuyết có thể giảm được giấy tờ ngay. Ví dụ như Hà Nội đi xin trích lục cho trẻ khai sinh từ ngày 1-1-2016 trở lại đây chỉ cần điền vào tờ khai nói số định danh của trẻ thì lập tức trong hệ thống báo ngay, bố mẹ không phải trình bất cứ giấy tờ gì. Hay giấy CMND không phải xuất trình của bố mẹ vì thông tin của bố mẹ (trong đó có giấy CMND của bố mẹ) đã có trên hệ thống rồi, giấy chứng nhận kết hôn cũng không phải xuất trình nữa” - ông Khanh cho biết.
Theo cục trưởng Cục Hộ tịch, dự kiến trong tháng 8-9, Bộ Tư pháp sẽ sơ kết giai đoạn 1 thí điểm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc, sau đó triển khai rộng. Khi đó Cục Công nghệ thông tin và Cục Hộ tịch sẽ có kiến nghị cụ thể với lãnh đạo Bộ về việc trước mắt, đối với những tỉnh đã áp dụng hệ thống phần mềm dùng chung có thể cắt giảm những giấy tờ nào khi người dân yêu cầu trích lục giấy tờ.