Ngày 8-4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 22-5-2020.
Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 45/2020 là việc người dân được yêu cầu cơ quan chức năng cấp bản sao điện tử từ sổ gốc, bản chính các giấy tờ pháp lý thay cho bản sao bằng giấy như hiện nay.
Theo đó, bản sao điện tử là bản chụp dưới dạng điện tử từ bản chính hoặc tập tin có nội dung ghi đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc, bản chính dạng văn bản giấy.
Điều 10 Nghị định 45/2020 quy định tổ chức, cá nhân được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử đối với các loại giấy tờ, tài liệu chưa được số hóa, lưu trữ, kết nối, chia sẻ với cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Theo đó, bản sao điện tử được cấp theo hai cách sau:
Cách 1: Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp bản sao điện tử từ sổ gốc. Trong trường hợp này, cơ quan đang quản lý sổ gốc căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử có chữ ký số của cơ quan cho người yêu cầu.
Bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.
Cách 2: Tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Với trường hợp chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thủ tục được thực hiện như sau:
- Tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao;
- Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhận lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực.
Tương tự, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy cũng có giá trị sử dụng thay cho bản chính để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch.
Như vậy, từ ngày 22-5, người dân có thể thông qua hai cách trên để được cấp bản sao điện tử từ bản chính sổ gốc, các loại giấy tờ pháp lý.