2 lưu ý để không bị lừa khi đi xin việc

Trong tuần qua, bài viết về  những bẫy lừa tuyển lao động trên mạng nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều bạn đọc gửi bình luận về sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng các bài viết: “Bẫy lừa tuyển lao động nhan nhản trên mạng”, “Co.op Food, Circle K... không tuyển người qua bên thứ hai”, “Công an làm việc với công ty nghi lừa tuyển dụng”

Nhiều sinh viên ở TP.HCM vào các trang Co.op Food tuyển dụng, Mini Stop tuyển tụng, Lotte Cinema tuyển tụng, Family Mart tuyển dụng… trên mạng và họ tham gia dự tuyển, kiếm việc làm thêm.

Khi truy cập, liên lạc các đầu mối theo hướng dẫn thì các trang trên đều dẫn đến cùng địa chỉ là một công ty có trụ sở ở quận Thủ Đức.

Khi người xin việc nộp hồ sơ thì phải đóng cho công ty này một khoản tiền từ 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng mới được giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, khi đến nhận việc tại địa chỉ được giới thiệu thì không có việc.

“Tôi từng là nạn nhân”

Sau khi báo đăng, nhiều người cho biết chính mình cũng từng là nạn nhân của các vụ lừa tuyển dụng lao động.

Bạn đọc Kim Ngân bình luận: “Tôi cũng là nạn nhân của công ty có trụ sở ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tôi lên mạng tìm việc, đến công ty thì nhân viên hướng dẫn đến một chỗ khác nhận về và bắt đóng 700.000 đồng. Đến địa chỉ được công ty này hướng dẫn thì lại phải đóng thêm 600.000 đồng tiền giữ chỗ. Thế nhưng chờ mãi vẫn không có việc.

Tôi hiện tại việc làm không có, lại thêm mắc nợ vì vướng vào công ty tuyển dụng lừa đảo”.

“Vào ngày 20-9, vợ tôi cũng vừa đóng cho một công ty ở quận Thủ Đức hết 900.000 đồng để xin việc nhưng cũng chẳng có việc làm. Người nghèo đã không có tiền phải đi xin việc lại bị họ ăn trên mồ hôi nước mắt…” - bạn đọc Văn Trung bức xúc.

Bạn đọc Trọng Nghĩa nêu ý kiến: “Việc một công ty lừa đảo nhiều người mà chính quyền địa phương không biết, không xử lý thì quản lý lỏng lẻo quá. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ hành vi lừa đảo, xử lý mạnh tay để làm gương”.

Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm, bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

Đừng tin lời việc nhẹ lương cao

Làm thế nào để khi đi xin việc tránh bị sập bẫy những nơi lừa đảo?

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM, cho biết: “Nhu cầu việc làm của người lao động thì lúc nào cũng có. Trước tình hình dịch bệnh đang dần lắng xuống thì nhu cầu tìm việc càng cao hơn”.

Ông Tuấn cho rằng người lao động mà đặc biệt là những sinh viên mới ra trường phải biết mình ở vị trí nào phù hợp, đừng nghe những lời quảng cáo tuyển dụng với công việc nhẹ nhàng, lương cao.

Muốn tìm công việc an toàn, không bị lừa thì người tìm việc cần phải đến các trung tâm giới thiệu việc làm có giấy phép thành lập, đặc biệt là các trung tâm công lập. Ví dụ, ở TP.HCM thì có Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM; Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên của Thành đoàn TP.HCM…

Ngoài ra, ở các trường đại học cũng có kết nối với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm tại chỗ cho sinh viên. Đặc biệt, đối với các công ty lớn cũng có đăng tuyển lao động trên các báo. Đây là những kênh thông tin về tìm việc uy tín.

“Trong thời buổi hiện nay, thông tin tuyển dụng được đăng tải rộng khắp nên có nhiều người lợi dụng vào đó để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, người tìm việc cần lưu ý hai vấn đề: Một là phải hiểu rằng thực tế không có những việc làm vừa nhẹ nhàng vừa lương cao mà lại không cần trình độ như những nơi lừa tuyển dụng hay rao tuyển. Hãy tìm những việc làm tương xứng với trình độ, khả năng của mình, đừng nghe những người vẽ vời mà dính bẫy.

Hai là về nguyên tắc, những trung tâm giới thiệu việc làm sẽ không thu phí hoặc nếu có thu thì rất ít để phục vụ cho việc gửi thư từ qua lại” - ông Tuấn lưu ý.

Phải quản chặt học sinh sử dụng điện thoại

Trong tuần qua, bên cạnh thông tin về bẫy trong tuyển dụng lao động thì những thông tin về học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp theo Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT cũng nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc.

Thông tư 32/2020 có hiệu lực kể từ ngày 1-11-2020. Theo quy định của Thông tư 32/2020 thì học sinh được dùng điện thoại trong lớp học cho mục đích học tập và khi được giáo viên chấp thuận. Nhiều bạn đọc băn khoăn khi sắp tới quy định này sẽ được áp dụng trên thực tế.

- Cho học sinh sử dụng điện thoại để phục vụ việc học là tốt nhưng giữa nhà trường và phụ huynh phải quản lý chặt, đừng để các em lạm dụng quá thì phản tác dụng. Nhà trường phải kiểm tra thường xuyên điện thoại để đảm bảo học sinh chỉ dùng duy nhất vào việc học - bạn đọc Thanh Hằng.

Chúng ta nên thay đổi tư duy và phương pháp truyền đạt cho thích hợp với thời đại mới. Thế nhưng cái nào cũng có mặt lợi và hại của nó. Thầy cô phải làm sao để phụ huynh an tâm giao điện thoại cho con mình. Nếu quản lý không tốt thì sẽ có rất nhiều em bị nghiện game, xem phim đồi trụy sẽ hỏng đi một thế hệ - bạn đọc Anh Hiến.

Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Điều quan trọng là nhận biết được những tiêu cực để hạn chế và phát huy cái tích cực. Còn sợ sai, không làm gì cả thì sẽ như: Mở cửa ra thì bụi bẩn sẽ bay vào nhà nhưng đóng cửa lại thì sẽ bị chết ngạt trong cái gọi là trong lành đó - bạn đọc Lê Minh Quân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới