2 năm sau chính biến: Mỹ và đồng minh trừng phạt mạnh tay hơn với quân đội Myanmar

(PLO)- Hai năm sau chính biến ở Myanmar, Mỹ và đồng minh áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, giáng đòn mạnh vào lĩnh vực năng lượng và chính quyền quân sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-1, Mỹ và các nước đồng minh đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng và chính quyền quân sự Myanmar. Các lệnh trừng phạt lần này đánh dấu 2 năm kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ủy ban Bầu cử Liên minh, các doanh nghiệp khai thác mỏ và các quan chức năng lượng của Myanmar, theo Bộ Tài chính Mỹ.

Quân đội Myanmar duyệt binh kỉ niệm 72 năm Ngày Lực lượng Vũ trang tại thủ đô Naypyitaw ngày 27-3-2017. Ảnh: REUTERS

Quân đội Myanmar duyệt binh kỉ niệm 72 năm Ngày Lực lượng Vũ trang tại thủ đô Naypyitaw ngày 27-3-2017. Ảnh: REUTERS

Thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết đây là lần đầu tiên Mỹ nhắm mục tiêu vào các quan chức của Doanh nghiệp Dầu khí Myanmar (MOGE). Các cá nhân bị trừng phạt lần này bao gồm giám đốc điều hành và phó giám đốc điều hành của MOGE - doanh nghiệp nhà nước mang lại nguồn doanh thu lớn nhất cho chính quyền quân sự.

Một cá nhân khác cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ là Bộ trưởng Năng lượng Myo Myint Oo. Theo Bộ Tài chính Mỹ, ông Oo là người thay mặt chính phủ Myanmar giải quyết các vấn đề năng lượng trong nước và quốc tế, đồng thời quản lý các thực thể thuộc sở hữu nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu dầu khí.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington cũng nhắm mục tiêu vào các cựu quan chức quân sự và hiện tại của Myanmar.

Trong khi đó, Canada - một đồng minh mạnh của Mỹ - đã nhắm mục tiêu vào 6 cá nhân và cấm xuất khẩu, bán, cung cấp hoặc vận chuyển nhiên liệu hàng không của Myanmar. Đến lượt mình, Úc nhắm mục tiêu vào các thành viên của chính quyền quân sự và một công ty do quân đội điều hành.

Anh đã trừng phạt 2 công ty và 2 cá nhân vì đã giúp cung cấp nhiên liệu cho lực lượng không quân của Myanmar, vốn bị cáo buộc thực hiện các chiến dịch "ném bom vào người dân".

Liên minh châu Âu (EU) là bên áp đặt trừng phạt mạnh tay nhất đối với chính quyền quân sự Myanmar. EU đã nhắm vào nguồn doanh thu từ khí đốt tự nhiên của quân đội Myanmar cũng như các ngân hàng xử lý các khoản thanh toán nước ngoài phục vụ hoạt động khai thác năng lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm