"...Việc làm này sẽ khiến nước chạy thẳng vào ống xả, buồng đốt, xi lanh… dẫn tới hỏng động cơ" - đây là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Quân, Trưởng phòng dịch vụ của hệ thống Head Honda Tường Nguyên.
Đội CSGT An Lạc đẩy xe ba gác chết máy, bị ngập nửa bánh xe trên quốc lộ 1 tối 25-11. Ảnh: LÊ THOA
Bão số 9 Usagi khiến nhiều tuyến đường khắp TP.HCM biến thành sông, hàng ngàn xe chết máy do ngập nước. Điều người dân lo lắng là triều cường, mưa lớn đang có diễn biến phức tạp, nếu gặp phải trường hợp tương tự, các xe bị chết máy giữa đường mà không có chỗ sửa thì có nên cố gắng đề, đạp máy để chạy tiếp hay không?
Ông Quân đã chia sẻ cùng bạn đọc hai bí kíp bỏ túi nhanh cho những người sử dụng xe máy để đối phó với "căn bệnh" ngập nước.
Tuyệt đối không cố gắng đề, đạp máy
Dù là xe số hay xe tay ga, khi phải đi qua những vùng ngập lớn, ngập sâu đều dễ xảy ra hiện tượng chết máy: xe không chạy được nữa.
Những lúc này, nhiều người có thói quen cố gắng đề, đạp để xe nổ máy trở lại mà không biết rằng đây là thói quen gây hỏng xe nhanh hơn.
Đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) ngập trắng nước, hàng loạt phương tiện phải dắt bộ. Ảnh: NGUYỄN TÂN
“Tuyệt đối không cố gắng đề, đạp máy bởi nước sẽ vào ống xả, vào xilanh, buồng đốt dẫn tới hiện tượng thủy kích gây hỏng động cơ. Xe đã chết máy thì người dân đừng khởi động lại, hãy dắt bộ đến tiệm sửa xe uy tín để sửa. Có những trường hợp nặng, chúng tôi phải rã hết động cơ ra để sửa, rất tốn kém chi phí cho bà con” - ông Quân nói.
Người dân cũng có thể tự sửa chữa trước mắt bằng những thao tác: tháo bugi, tháo bầu lọc gió lau chùi thật khô rồi lắp lại. Trường hợp ngập sâu phải tháo cả ống xả. Tháo xong mới bắt đầu đề đạp đẩy nước trong xilanh ra ngoài. Bằng mọi cách phải tháo nước ra ngoài” - ông Quân nói.
Đem đến địa chỉ uy tín để sửa
Cũng có những trường hợp thợ non tay nghề, xe vừa dắt vào là đề, đạp liền xem xe có nổ không, không nổ thì mới tháo bugi, đầu lọc gió ra… rất có hại cho xe cộ. Chính vì thế ông Quân khuyên người dân nên sửa xe ở những nơi uy tín, thợ có tay nghề tốt để tránh hư hại tài sản.
Xe chết máy tuyệt đối không cố gắng đề, đạp lại.
“Xe đã bị chết máy do ngập thường nhớt sẽ có màu cà phê sữa, bắt buộc phải súc thay nhớt và nhớt số mới. Phải tới những địa chỉ, trung tâm uy tín để kiểm tra tháo vệ sinh nồi côn. Tùy theo tình trạng xe: ngập hết bánh, ngập tới yên, tình trạng hư hỏng xe để báo cho chủ xe biết nên sửa chữa gì, chi phí bao nhiêu. Điều này phụ thuộc vào lương tâm nghề nghiệp của người thợ” - ông Quân chia sẻ.
Bên cạnh kiểm tra lau khô bugi, bầu lọc gió thì các đầu mối trong hệ thống điện cũng cần được sấy khô, tránh được tình trạng hệ thống mạch điện bị chập, cháy dẫn đến phải thay phụ kiện.
Có không ít trường hợp thợ xe lợi dụng để nâng giá, "chặt chém" nhưng không phải cứ giá đắt hơn là "chặt chém", phải quan sát xem người ta sửa gì trong xe.
Chẳng hạn, cùng đi sửa xe chết máy do ngập nhưng có nơi báo giá 200.000, có nơi chỉ 100.000 đồng. Nơi báo giá 100.000 đồng chỉ lau bugi, nơi báo giá 200.000 đồng ngoài lau bugi còn thay nhớt, nhớt số, kiểm tra xe đàng hoàng.