Năm 2017, cả ba lĩnh vực lập pháp, tư pháp và hành pháp đều chứng kiến những bước chuyển mình đầy ấn tượng. Bước sang năm 2018, hệ thống pháp luật của chúng ta sẽ càng hoàn thiện hơn, trang bị đầy đủ công cụ hơn, thể hiện sức mạnh tuyệt đối của một nhà nước pháp quyền.
Quy định mới nhân văn và tạo sự công bằng xã hội
Năm 2018 sẽ có nhiều đổi mới trong ngành tố tụng khi BLHS mới sửa đổi chính thức được áp dụng. Nhìn chung BLHS đã được sửa đổi trên cơ sở kế thừa những quy định trước đây theo hướng nhân văn hơn và sát với thực tế cuộc sống.
Ví dụ, những quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, BLHS mới đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 BLHS 2015 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong 28 tội danh cụ thể. Đây là thay đổi mang tính nhân văn, bảo đảm tính nhất quán trong chủ trương nhân đạo hóa chính sách hình sự.
Ngoài ra, lần đầu tiên pháp luật hình sự Việt Nam quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (PNTM). Đây là một nội dung hoàn toàn mới và vô cùng quan trọng, làm thay đổi cơ bản chính sách hình sự truyền thống.
Thực tiễn cho thấy PNTM đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường. Nay với quy định mới, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với PNTM và phạt mạnh về kinh tế sẽ góp phần ngăn chặn hành vi phạm tội của PNTM, là động thái cần thiết và hợp lý, tạo hành lang pháp lý trong thời kỳ kinh tế hội nhập, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững cho đất nước.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM
Đơn giản hóa trong thủ tục kinh doanh đã tạo được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Ảnh: HTD
Khơi dậy niềm tin khởi nghiệp với hành lang pháp lý thông thoáng
Năm vừa qua, chúng ta nhận thấy những cuộc phát động cùng với các chính sách khá mạnh mẽ mà Chính phủ đưa ra nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp trên toàn quốc. Cụ thể như Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35/NQ-CP về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020... Rõ ràng, Chính phủ đang tạo điều kiện để cho tất cả DN, cá nhân cùng xây dựng kinh tế bền vững.
Chính phủ đã quyết liệt cắt bỏ hơn 5.000 giấy phép con trái luật, sửa đổi những điều kiện kinh doanh không phù hợp, đã có 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được đơn giản hóa, 47 thủ tục hành chính về xây dựng được cắt giảm. Quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các DN được đảm bảo. Với Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua đã khiến môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Những động thái ấy đã tạo được niềm tin trong cộng đồng DN, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Để năm 2018 và các năm tiếp theo phong trào khởi nghiệp được lan tỏa mạnh mẽ theo chiều rộng và thực chất hơn, Nhà nước cần tập trung rà soát, đối thoại, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quyết liệt giảm chi phí, ban hành thêm nhiều quy định tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, an tâm, an toàn hơn nữa cho DN, doanh nhân. Chính quyền các cấp có sự tương tác, phản hồi tích cực với người dân và DN.
Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Bán hàng đa cấp - con dao nhiều lưỡi được “đóng nắp”
Hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động rầm rộ tại Việt Nam suốt 10 năm qua, gây nhiều hệ lụy. Năm 2017, những cái tên lớn trong lĩnh vực này đã bị “trảm” như Thiên Ngọc Minh Uy. Trên thế giới, mô hình kinh doanh đa cấp đúng nghĩa kinh doanh rất hiệu quả. Một số công ty tại Việt Nam cũng hoạt động tốt nhờ bán hàng đa cấp hợp pháp. Thế nhưng số bán hàng đa cấp lừa đảo lại không ít, hậu quả không chỉ cho mỗi người dân mà tạo ra nhiều hệ lụy xã hội, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Theo tôi, Bộ Công Thương cần ngừng cấp giấy phép cho các công ty bán hàng đa cấp mới, đồng thời có cơ chế xử phạt thật nặng các công ty đa cấp lừa đảo. Quốc hội đã chính thức thông qua quy định tại Điều 217a (BLHS mới) về tội danh vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc hoạt động không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký có thể bị phạt tiền tối đa đến 5 tỉ đồng, phạt tù tối đa đến năm năm.
Tuy nhiên, sử dụng luật pháp vẫn không thể ngăn chặn hoàn toàn đa cấp lừa đảo nếu nhiều người vẫn còn lòng tham. Để giải quyết tận gốc, cần tìm đến những người là đối tượng khách hàng của đa cấp lừa đảo, cần tuyên truyền sâu rộng, đặc biệt là ở vùng nông thôn đến các cấp lãnh đạo làng xã và từng người dân mới là biện pháp ngăn chặn nạn đa cấp lừa đảo hiệu quả.
Ông NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế
Từ ngày 1-7-2018, Luật Tiếp cận thông tin sẽ chính thức có hiệu lực Luật cho phép người dân chuyển từ tâm thế thụ động nhận thông tin sang có quyền chủ động tiếp cận thông tin. Công dân được tiếp cận bằng hai cách: Tự do (vì Nhà nước đã công khai) và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp. Người nước ngoài cũng bình đẳng tiếp cận mọi thông tin như công dân Việt Nam. Đây là một luật được người dân trông đợi, khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong thực hiện minh bạch thông tin và phòng, chống tham nhũng. |