3 cha con cựu chủ tịch hầu tòa vì thâu tóm 'đất vàng'

(PLO)- Ba cha con cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2 cùng bị truy tố trong vụ thâu tóm “đất vàng” Bình Dương, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

Ngày 15-8 tới, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử 28 bị cáo trong vụ án bán rẻ “đất vàng” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2).

Tài sản nhà nước rơi vào tay tư nhân

Theo cáo trạng, năm 2012 và 2013, UBND tỉnh Bình Dương lần lượt có các quyết định giao hai khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng công ty 3/2 để xây dựng khu dân cư, thương mại, sân golf, nghỉ dưỡng… Quá trình giao đất, do áp dụng sai đơn giá (tính giá năm 2006 thay vì năm 2012 - PV), chỉ tính riêng tiền sử dụng đất, ngân sách đã bị thiệt hại hơn 760 tỉ đồng.

Ba bị cáo Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thục Anh và Nguyễn Đại Dương (từ trái qua). Ảnh: TH

Sau này, các bị cáo tại Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổng công ty 3/2… tiếp tục có hàng loạt sai phạm khác khiến tài sản nhà nước thất thoát thêm cả ngàn tỉ đồng.

Năm 2015, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định cổ phần hóa Tổng công ty 3/2. Tổng công ty phải chuyển giao khu đất 43 ha về Công ty Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương (Công ty Impco - trực thuộc Tỉnh ủy) và được giữ lại khu đất 145 ha để sử dụng sau khi cổ phần hóa.

Tuy nhiên, với động cơ cá nhân, ông Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2) đã thỏa thuận với con rể là Nguyễn Đại Dương chuyển nhượng trái phép khu đất này.

Tháng 3-2010, ông Minh nói với con rể về việc Tổng công ty 3/2 đang tìm đối tác để thực hiện dự án tại khu đất 43 ha. Sau đó, Dương cùng một số người góp vốn 60 tỉ đồng thành lập Công ty CP Bất động sản Âu Lạc.

Dù chưa thông qua HĐQT cũng như chưa báo cáo Tỉnh ủy, bị cáo Minh tự ý đại diện Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú. Liên doanh có vốn điều lệ 200 tỉ đồng, trong đó Tổng công ty 3/2 góp 60 tỉ đồng, tương ứng 30%.

Quá trình thực hiện, thay vì chuyển khu đất 43 ha về cho Công ty Impco như phương án đã được Tỉnh ủy phê duyệt, ông Minh lại chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất này cho Công ty Tân Phú.

Tiếp đó, bị cáo Minh xin chủ trương từ Tỉnh ủy chuyển nhượng nốt 30% vốn góp của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Lẽ ra các lãnh đạo tỉnh Bình Dương bao gồm ông Trần Văn Nam (cựu bí thư Tỉnh ủy) phải yêu cầu Tổng công ty 3/2 hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 ha để chuyển giao khu đất cùng với 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú về cho Công ty Impco.

Thế nhưng nhóm bị cáo lại đồng ý với đề xuất của Tổng công ty 3/2. Được “bật đèn xanh”, Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Lúc này, toàn bộ quyền sử dụng khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú - là tài sản nhà nước đã hoàn toàn rơi vào tay tư nhân.

Cơ quan tố tụng xác định khu đất 43 ha trị giá gần 1.400 tỉ đồng nhưng bị chuyển nhượng với giá chỉ hơn 250 tỉ đồng; 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú trị giá 60 tỉ đồng nhưng chuyển nhượng với giá hơn 160 tỉ đồng. Sau khi cộng trừ, số tiền bị thất thoát là hơn 984 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại hơn 4.000 tỉ đồng.

Thâu tóm lợi ích cho “sân sau”

Để thực hiện dự án trên khu đất 145 ha, ông Minh ký hợp đồng với hai công ty Hàn Quốc thành lập liên doanh Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Thành. Liên doanh có vốn điều lệ 30 triệu USD, trong đó Tổng công ty 3/2 góp 30% vốn bằng quyền sử dụng khu đất 145 ha, tương ứng 9 triệu USD.

Do dự án chậm tiến độ, hai công ty Hàn Quốc rút lui. Bị cáo Minh sắp xếp cho hai đơn vị “thế chỗ”, gồm Công ty CP Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển. Đây đều là các công ty “sân sau”, có vốn góp của bị cáo Minh và con gái Nguyễn Thục Anh.

Năm 2015, trong lúc dự án đang thực hiện, tỉnh Bình Dương cổ phần hóa đối với Tổng công ty 3/2. Theo quyết định, khu đất 145 ha phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa. Thế nhưng bị cáo Minh lại chỉ đạo cấp dưới sắp xếp khu đất vào mục “chờ thanh lý” - tức là loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp.

Song song với việc cổ phần hóa, bị cáo Minh yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng liên doanh tại Công ty Tân Thành. Hậu quả, quyền sử dụng khu đất 145 ha bị đăng ký biến động từ Tổng công ty 3/2 sang Công ty Tân Thành.

Về phía chính quyền, các bị cáo thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương… khi rà soát kết quả xác định giá trị doanh nghiệp biết rõ Tổng công ty 3/2 loại trừ khu đất 145 ha nhưng vẫn đồng ý.

Bị cáo Trần Thanh Liêm, khi ấy là chủ tịch UBND tỉnh, dù nhận thức khu đất 145 ha phải được đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt giá trị Tổng công ty 3/2 không bao gồm giá trị sử dụng khu đất này.

Cơ quan tố tụng xác định hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại hơn 4.000 tỉ đồng. Con số này được tính dựa trên giá trị khu đất 145 ha là hơn 4.400 tỉ đồng nhưng không được đưa vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, mà mang đi góp vốn tại Công ty Tân Thành với trị giá chỉ hơn 440 tỉ đồng.•

Ba cha con cùng bị truy tố

Vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Minh bị truy tố hai tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản. Nguyễn Thục Anh (con gái bị cáo Minh) bị truy tố tội tham ô tài sản, Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Minh) bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 25 bị cáo còn lại, gồm hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương, bị truy tố về một trong hai tội nêu trên.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. 61 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó ông Nam có năm người.

Tỉnh ủy, UBND, Cục Thuế, Sở Tài chính và Sở TN&MT tỉnh Bình Dương được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới