3 nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án đầu tư công ở TP.HCM

(PLO)- Các đại biểu HĐND TP đã chất vấn lãnh đạo TP cùng các sở ban ngành về nhiều nội dung liên quan đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư công.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-8, Thường trực HĐND TP.HCM đã tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP.HCM.

Các đại biểu (ĐB) HĐND TP đã chất vấn lãnh đạo TP cùng các sở ban ngành về nhiều nội dung liên quan đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư công.

Đại biểu tham dự phiên giải trình sáng 24-8. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đại biểu tham dự phiên giải trình sáng 24-8. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bóc tách nguyên nhân gây chậm tiến độ

ĐB Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP, quan tâm đến nguyên nhân khiến việc thực hiện dự án đầu tư công chậm. Trong đó có nguyên nhân về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Lý giải, ĐB Vân cho rằng chính sách bồi thường của TP chưa phù hợp với nhu cầu của người dân.

Cũng theo ĐB Vân, TP.HCM là đô thị đặc biệt, tỉ lệ đất nông nghiệp trên địa bàn TP thấp. Các khu vực đang được quy hoạch để thực hiện công trình giao thông, cây xanh, giáo dục đa số là đất nông nghiệp. Khi quy hoạch các khu vực này thì người dân không được chuyển mục đích sử dụng đất, cũng không được xây dựng.

“Khi bồi thường GPMB thì chúng ta áp giá đất nông nghiệp cho người dân dẫn đến tiến độ GPMB chậm do người dân khiếu nại. Trong khi đất nông nghiệp xen kẽ có hạ tầng tốt, tương đồng với các khu dân cư lân cận không quy hoạch hoặc chưa triển khai dự án” - ĐB Vân phân tích.

Từ đó, ĐB Vân đặt vấn đề liệu TP có giải pháp gì cho chính sách bồi thường với đất nông nghiệp trong khu dân cư phù hợp với điều kiện TP? ĐB Vân cũng nêu thực tế, đơn giá bồi thường đất ở được phê duyệt hiện nay chỉ bằng khoảng 60-70% giá đất thị trường. “TP có giải pháp gì để kiểm soát, chấm dứt kê khai giá mua bán thấp hơn giá thị trường?” - ĐB Vân đặt câu hỏi.

Đại biểu HĐND TP chất vấn tại phiên giải trình. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Đại biểu HĐND TP chất vấn tại phiên giải trình. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

ĐB Huỳnh Hồng Thanh, Phó Ban đô thị HĐND TP.HCM, thì cho rằng cần có đánh giá thực chất, khách quan hơn về các nguyên nhân gây chậm tiến độ. Trong đó, cần chủ động phân tích các nguyên nhân chủ quan về năng lực điều hành của chủ đầu tư, chủ dự án, sự điều hành của các cấp thẩm quyền để cùng nâng cao trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Dù ghi nhận những kết quả mà TP đã đạt được, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh nói vẫn còn có những điểm nghẽn nhất định.

Theo bà Thanh, HĐND TP đã thông qua việc thực hiện vốn trung hạn năm 2022 từ cuối năm 2021 nhưng việc bố trí và giao vốn chậm hơn ba tháng sau khi có nghị quyết của HĐND TP. Điều này dẫn đến thực trạng là các dự án không đảm bảo đúng tiến độ, thời gian được phê duyệt dẫn đến chậm tổ chức thực hiện dự án, phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Trong đó, một số dự án phải điều chỉnh gia hạn nhiều lần.

“Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến nội dung này như thế nào, giải pháp khắc phục ra sao?”- ĐB Thanh hỏi và đề nghị thông tin về giải pháp đối với 11 dự án đầu tư theo hình thức công- tư (PPP) chậm tiến độ mà UBND TP báo cáo.

Bên cạnh đó, TP có nhiều tiềm năng về nhu cầu đầu tư cho các dự án PPP nhưng đến nay vẫn chưa kêu gọi được sự đầu tư. Từ đó, ĐB Thanh đề nghị TP cho biết liệu trong năm 2022, có quy trình quản lý dự án PPP để phân định rõ ràng trách nhiệm của các sở, ngành?

Lấy ý kiến người dân khi thẩm định giá thị trường

Trả lời các ý kiến chất vấn, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho biết TP.HCM hiện có 29 dự án trọng điểm phân tách. Trong đó có 11 dự án chưa được phê duyệt giá, 18 dự án đang triển khai. Ông Lâm nói người dân rất quan tâm, bức xúc đến các dự án đang triển khai nhưng chậm trễ.

Giám đốc Sở GTVT thẳng thắn nhìn nhận, có sự chậm trễ là do công tác giải phóng mặt bằng, thông thường là liên quan đến phương án giá, phương án tái định cư.

Ông Trần Quang Lâm cho biết về yếu tố mặt bằng thường vướng về ranh quy hoạch. Một số dự án quản lý ranh, ranh của các dự án, ranh quy hoạch chưa đồng bộ nên quá trình xử lý rất phức tạp.

Giám đốc Sở GTVT TP cũng đồng tình với ý kiến đại biểu về năng lực chủ đầu tư ảnh hưởng đến quá trình thi công dự án. Ông nói, nếu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tốt, có kiến nghị, đề xuất cụ thể những gì nóng, gấp, chủ động làm việc với quận, huyện, các sở, ngành thì sẽ hóa giải được nhiều vấn đề. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các sở ngành hiện nay còn làm mất nhiều thời gian...

Giám đốc Sở TN&MT TP Nguyễn Toàn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Giám đốc Sở TN&MT TP Nguyễn Toàn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trả lời chất vấn về việc thẩm định, trình hệ số bồi thường đất ở, đất nông nghiệp, Giám đốc Sở TN&MT TP Nguyễn Toàn Thắng nói, việc xác định giá đất ở, đất nông nghiệp để tổ chức bồi thường là khâu quan trọng. Bởi, khi người dân đồng thuận, tổ chức đồng thuận thì việc thu hồi đất sẽ nhanh hơn.

Ông Thắng cũng dẫn các quy định pháp luật hiện hành để phân tích về việc xác định giá đất. Hiện TP đã có xin cơ chế đưa hệ số dự kiến các dự án bồi thường ra công khai, lấy ý kiến người dân khi thẩm định giá thị trường.

Về việc chậm trong công tác bồi thường, ông Thắng nói muốn bồi thường thì phải có phương án. Công tác đo đạc, kiểm đếm và xác nhận pháp lý là rất quan trọng, nếu công tác này chậm, không chính xác thì công tác duyệt phương án sẽ chậm.

Rà soát các dự án vướng mắc

Trước các chất vấn của ĐB, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai nói rằng thời gian qua, vấn đề thực hiện các dự án đầu tư PPP có nhiều khó khăn, vướng mắc về thể chế cũng như quá trình thực hiện. UBND TP đã giao Sở Tư pháp phối hợp các sở, ngành để rà soát từng khó khăn, vướng mắc của 11 dự án để tháo gỡ.

Giám đốc Sở KH&ĐT TP Lê Thị Huỳnh Mai trả lời chất vấn. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Giám đốc Sở KH&ĐT TP Lê Thị Huỳnh Mai trả lời chất vấn. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Về tình hình vốn đầu tư công còn khó khăn, Sở KH&ĐT đã báo cáo cụ thể và TP đã giao nhiệm vụ, chuẩn bị các bước để chủ đầu tư dễ tiếp cận, quan tâm đến tám dự án cơ bản. Tám dự án này tập trung vào lĩnh vực giao thông với vốn gần 11.000 tỉ đồng.

Với 11 dự án đầu tư theo hình thức PPP đang gặp khó khăn về GPMB, còn vướng mắc ở một số nội dung, cần phải trao đổi lại về phương thức thanh toán giữa các bên kí kết hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư nên làm ảnh hưởng tiến độ...

Theo bà Mai, trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, Sở đã kiến nghị xin thí điểm được tách riêng dự án bồi thường và dự án xây lắp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Tại hội nghị, ĐB HĐND TP đề cập đến giải pháp nào để cân đối nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, dự án Rạch Xuyên Tâm.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết UBND TP có kiến nghị trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, cho phép HĐND TP có thể quyết định nguồn thu. Đây là cơ chế để TP có vốn trong giai đoạn sắp tới đầu tư dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài

Về dự án Rạch Xuyên Tâm, TP đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác do Sở Xây dựng làm tổ trưởng, phối hợp với các sở ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

UBND TP cũng đã giao Sở Tài chính làm cơ quan đầu mối nghiên cứu, kiếm nguồn thu từ việc khai thác dọc hai kênh để đầu tư thực hiện dự án.

Bà Mai nói, đây là sự chủ động của UBND TP để có được nguồn vốn thực hiện hai dự án trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm