TP.HCM: Nhu cầu đầu tư 672.000 tỉ đồng nhưng Trung ương chỉ bố trí 142.000 tỉ

(PLO)- Nhu cầu vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của TP.HCM là hơn 672.000 tỉ đồng nhưng trung ương chỉ giao 142.000 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-8, tại phiên họp giải trình của UBND TP.HCM với Thường trực HĐND TP.HCM về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP, nhiều đại biểu HĐND TP quan tâm đến nhu cầu nguồn vốn của TP để đáp ứng nhu cầu đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Toàn cảnh phiên họp giải trình về đầu tư công, sáng 24-8. Ảnh: LÊ THOA

Toàn cảnh phiên họp giải trình về đầu tư công, sáng 24-8. Ảnh: LÊ THOA

Đại biểu Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM bày tỏ lo ngại khi nhiều dự án được HĐND TP.HCM thông qua nhưng do nguồn vốn phân bổ không đủ nên chưa thực hiện, hoặc phải cắt giảm.

Đây là các dự án đầu tư công được người dân quan tâm, nếu cắt giảm sẽ mất đi cơ hội nên TP cần có giải pháp về vốn để khắc phục bất cập này.

Giải trình tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, khẳng định TP.HCM có nhu cầu đầu tư rất lớn. Giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn của TP là trên 360.000 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ được bố trí 150.000 tỉ đồng (khoảng 52%).

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, giải trình tại phiên họp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, giải trình tại phiên họp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đến giai đoạn 2021-2025, nhu cầu đầu tư công đối với các lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho sự phát triển của TP là 672.000 tỉ đồng, trong khi đó theo quyết định của Thủ tướng thì chỉ được cho sử dụng tối đa 142.000 tỉ đồng.

“So với 670.000 tỉ đồng thì chỉ đáp ứng được 21% so với nhu cầu đầu tư” – bà Mai nói.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP, cũng nhìn nhận những năm qua do vấn đề phân bổ vốn từ ngân sách trung ương cũng như phân bổ các nguồn thu để lại cho ngân sách TP hạn chế khiến TP luôn gặp khó khăn trong cân đối nguồn vốn đầu tư. Năm 2020 và 2021 cũng là năm TP chịu tác động nặng do dịch, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, giảm số thu ngân sách và tăng nhu cầu chi cho an sinh xã hội.

Trước nhu cầu vốn rất lớn nhưng khả năng đáp ứng chưa cao, bà Hà cho biết TP đã đề ra nhiều giải pháp tạo vốn. Trong đó để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kỳ vọng, các kế hoạch phục hồi kinh tế cần được duy trì, phát huy, tạo cho TP nguồn thu cân đối cho ngân sách địa phương,.

Theo bà Hà, trên địa bàn TP có nhiều dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai, do đó thời gian tới cần tập trung tháo gỡ, vừa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính, vừa góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, tạo điều kiện cho TP phát triển dài hạn.

Đối với tài sản công nằm ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Giám đốc Sở Tài chính cho biết TP đang cương quyết triển khai sắp xếp lại phương án sử dụng đất.

“Những địa chỉ nào chưa sử dụng hiệu quả thì được kê khai, rà soát, báo cáo rõ để các địa phương có nhu cầu phát triển xây dựng công trình công cộng nếu phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thì UBND TP sẽ phê duyệt phương án đi vào sử dụng” – bà Hà nói.

Đối với địa chỉ nhà đất công tại bộ, ngành trung ương nằm trong quy hoạch các công trình công cộng của quận, huyện thì UBND TP.HCM cũng sẽ có kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát lại. “Địa chỉ nào dôi dư, không có nhu cầu sử dụng thì đề xuất theo hướng chuyển giao TP đưa vào khai thác, tạo ra giá trị phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP” – bà Hà nói thêm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo giải trình tại phiên họp. Ảnh: LÊ THOA

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo giải trình tại phiên họp. Ảnh: LÊ THOA

Lý giải rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng khẳng định nhu cầu đầu tư phát triển của TP rất lớn. “Với nhu cầu 670.000 tỉ đồng cho nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 nhưng được duyệt 142.000 tỉ đồng là rất thấp” – ông Mãi nhìn nhận.

Ông phân tích, tổng nhu cầu của giai đoạn 2021-2025 là 672.000 tỉ đồng, nếu xét về dự án trọng tâm, cấp bách trước mắt thì TP cần 260.000 tỉ đồng, hiện TP đã được bố trí 142.000 tỉ đồng.

Theo ông Mãi, tuỳ theo kết quả giải ngân, tình hình cân đối thu thì TP đang chuẩn bị đề án, báo cáo trung ương để được xem xét thêm 120.000 tỉ đồng cho nguồn vốn đầu tư công trung hạn, để đạt tổng 260.000 tỉ đồng.

Khẳng định lại các giải pháp để tăng khoản thu cho TP do bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP trình bày, ông Phan Văn Mãi còn thông tin thêm TP sẽ có kế hoạch sắp xếp cổ phần hoá các doanh nghiệp để thu vốn từ nguồn lực này.

Đồng thời đề xuất thí điểm các cơ chế thu hút đầu tư xã hội. Chẳng hạn một số khu dân cư có quy hoạch trường học, bệnh viện, trung tâm văn hoá - thể thao thì thu hút xã hội đầu tư, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở vật chất cho y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, vừa không phải dùng nguồn vốn ngân sách.

Ông Mãi nhìn nhận TP cũng xác định các dự án trọng tâm trong thời gian tới như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, rạch Xuyên Tâm, dự án giao thông kết nối… để tính toán cơ chế tạo ra nguồn thu cho TP.

Nhiều lý do giải ngân chậm

Liên quan đến tình hình giải ngân các dự án còn chậm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết công tác lập hồ sơ thực hiện chưa kịp thời, đồng bộ, làm mất thời gian bổ sung.

Bên cạnh công tác giao vốn thì việc giải phóng mặt bằng là vấn đề rất lớn trong thời gian tới trong bối cảnh TP tiếp tục hoàn thiện Vành đai 2 và triển khai Vành đai 3, 4. Do đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền.

Ông Mãi cũng nhìn nhận một số chủ đầu tư thiếu quan tâm, thiếu nhân lực, thiếu kinh nghiệm trong quản lý nên thực hiện các thủ tục, quản lý dự án chậm, xảy ra nhiều việc phát sinh mất thời gian khắc phục.

Việc xử lý các vấn đề phát sinh chưa kịp thời, thiếu sự kiểm tra đôn đốc và dẫn đến chậm tiến độ giải ngân, chậm tiến độ chung các dự án đầu tư công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm