Sở TN&MT TP.HCM nói về lý do tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm

(PLO)- Trong sáu tháng đầu năm 2022, Sở Tài nguyên- Môi trường TP.HCM đã trình, duyệt giá cho 48 phương án giá phục vụ 48 dự án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 26-7, ban Kinh tế- ngân sách, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về tiến độ thực hiện đầu tư công đối với Sở Tài Nguyên- Môi trường (TN&MT) và Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM.

Chấn chỉnh việc thẩm định giá

Phó giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Bảy đã có lý giải với đại biểu HĐND về một số nguyên nhân dẫn đến thu hồi mặt bằng chậm, phát sinh khiếu nại, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công.

Nguyên nhân trước hết là do việc thẩm định giá. Từ 2021, Sở TN&MT đã nỗ lực chấn chỉnh và kết quả có nhiều điểm tích cực.

Phó giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Bảy nói về nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Bảy nói về nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó giám đốc Sở TN&MT TP thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở đã trình, duyệt giá cho 48 phương án giá phục vụ 48 dự án.

“Tất cả các hồ sơ thẩm định giá mà quận, huyện đưa lên sở đã không còn tồn đọng nữa. Đưa lên là chúng tôi làm ngay”- ông khẳng định và cho biết đã thực hiện rất nhiều giải pháp như yêu cầu cán bộ chuyên môn không được trả hồ sơ, nếu trả hồ sơ là phải có ý kiến của ban giám đốc; thậm chí cử người đeo bám dưới quận, huyện để thúc đẩy tiến độ.

Dù có chuyển biến nhưng ông Bảy cũng thừa nhận về tổng quan chung thì tiến độ giải ngân vẫn chậm. Bởi, hiện có một số quận, huyện khoán trắng cho ban bồi thường, ban này lại không chuyên nghiệp trong quá trình xây dựng hồ sơ thẩm định giá, rất lúng túng và chậm trễ.

Một lý do khác là việc thuê đơn vị tư vấn gặp khó khăn. Các cơ quan lại không có chế tài để “ép” các đơn vị này hoạt động tư vấn một cách hiệu quả. Hiện, các đơn vị tư vấn làm việc theo kiểu “thích thì làm, không thích thì thôi”.

Cạnh đó, quy định về nền tái định cư, căn hộ tái định cư hiện cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể là khi làm giá bồi thường nền tái định cư cho người dân, hiện vấn đề này đưa về Sở xây dựng. Quận, huyện có trách nhiệm dự báo nhu cầu người dân tại địa bàn rồi đăng kí lên, sở bố trí về.

Ông Bảy cho rằng hiện thủ tục này còn lằng nhằng, mất thời gian. Chưa kể, một số quận huyện không thể dự báo đúng so với nhu cầu thực tế nên gây khó trong việc đảm bảo nguồn cung.

Phó giám đốc Sở TN&MT cũng nhắc đến bức xúc của người dân về giá bồi thường không tiếp cận giá thị trường. Về điểm này, lãnh đạo Sở khi làm việc với quận, huyện luôn yêu cầu địa phương thu thập thông tin từ thị trường để lập bảng giá mà người dân có thể chấp nhận được.

“Cái khó là phải cân đối giá vì nếu để chênh lệch quá lớn sẽ dễ bị dắt dây, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”- ông Bảy nói.

Ông Trần Văn Bảy cũng nêu vấn đề hiện nay là có giá rồi nhưng một số quận, huyện chậm ban hành phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Theo ông, Luật Đất đai có quy định rất tiến bộ để đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất, đó là phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư phải được phê duyệt cùng ngày với quyết định thu hồi đất.

“Nhưng quận huyện làm không kịp, nhất là với các dự án lớn dẫn đến kéo dài thời gian; đến khi phê duyệt phương án bồi thường thì mức giá đó bị lạc hậu, người dân không đồng thuận.

Quận, huyện lại báo lên TP là người dân không đồng tình thì không cách gì tháo gỡ được. Bởi, thời điểm thông qua mức giá là đúng quy định pháp luật, đúng giá thị trường, một năm sau mới đưa vào phương án thì người dân sẽ khó chấp nhận”- ông phân tích.

Ông Bảy cũng cho biết, một nỗ lực của Sở trong thời gian qua là duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo bồi thường hỗ trợ tái định cư để kịp thời tháo gỡ các hồ sơ vướng mắc cho địa phương.

Lập bảng giá đất cần rõ mục đích sử dụng

Trả lời ý kiến đại biểu về việc lập bảng giá đất, ông Trần Văn Bảy cho rằng bảng giá đất được sử dụng cho nhiều bài toán khác nhau.

Ông cho rằng, nếu xây dựng bảng giá đất tiếp cận giá thị trường trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, thương mại thì quá tốt, đảm bảo ngân sách nhà nước.

"Nhưng khi người dân thực hiện quyền của chính họ như chuyển mục đích sử dụng đất… nếu căn cứ vào bảng giá thị trường này thì người dân sẽ không đồng lòng”- ông Trần Văn Bảy nói.

Từ đó ông đặt vấn đề bảng giá đất nên sử dụng cho mục đích gì. Phó giám đốc Sở TN&MT đưa ra góc nhìn đối với việc cho thuê đất, khi các nhà đầu tư nước ngoài sang đầu tư, nếu đẩy giá lên thì có khi sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội.

Ông phân tích: “Việc xây dựng bảng giá đất tiếp cận giá thị trường khó thì có khó nhưng không phải không làm được. Nhưng làm ra rồi để phục vụ thu ngân sách hay vì mục tiêu khác thì phải cân nhắc kĩ”.

Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách, HĐND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT làm rõ một số nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai tại buổi giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách, HĐND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT làm rõ một số nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai tại buổi giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Trước chất vấn của đại biểu về kế hoạch sử dụng đất, Phó giám đốc Sở TN&MT nhận trách nhiệm trước tiên thuộc về Sở. Nhưng ông cho rằng quận, huyện cũng cần có sự phối hợp, sâu sát từng cấp từ phường, xã đến quận, huyện để quản lý tốt hơn.

Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND TP cũng nêu rõ vấn đề sở cần phải rà soát lại các dự án chậm, hoặc kéo dài thời gian thực hiện, đề xuất tăng vốn đầu tư để tránh lãng phí trong lĩnh vực này.

Cán bộ quá tải, người dân bức xúc

Phó giám đốc Sở TN&MT TP Trần Văn Bảy chia sẻ, hiện nay khối lượng công việc của ngành rất lớn, nhưng chủ yếu vẫn quản lý bằng thủ công. Cả cán bộ và người dân đều bức xúc.

Hiện nay, Sở đã thực hiện liên thông giữa chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai với Chi cục thuế để giảm tắc nghẽn nhưng về căn cơ phải có dự án giải quyết, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Sở kiến nghị HĐND TP xem xét bổ sung vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với 3 dự án để Sở triển khai lập dự án đầu tư. Đó là: Hệ thống cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ xử lý thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; xây dựng trung tâm điều hành thông minh Sở Tài nguyên- môi trường; trung tâm điều hành thông minh và chuyển đổi số kho lưu trữ cho văn phòng đăng kí đất đai TP.

Riêng về dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 khu vực TP.HCM với mức đầu tư hơn 59 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành. Hiện, Sở đang phối hợp cùng đơn vị kiểm tra giám sát để đánh giá làm cơ sở nghiệm thu dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm