Sở TN&MT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP kiến nghị giải quyết hồ sơ hợp thửa đất cho cá nhân, hộ gia đình và tổ chức sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020. Trong văn bản này, Sở TN&MT TP đề xuất TP cho phép giải quyết gộp nhiều thủ tục liên quan đến hợp thửa, tách thửa, chứng nhận quyền sở hữu nhà ở/công trình không phải nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân.
Sở TN&MT TP.HCM đề xuất TP cho phép giải quyết gộp các thủ tục liên quan đến hợp thửa, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất…
Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Cụ thể, Sở TN&MT TP cho biết năm 2018, UBND TP có ban hành quy định về bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, quy định cụ thể về thời gian giải quyết các thủ tục và thẩm quyền giải quyết hồ sơ liên quan đến việc hợp thửa đất. Theo đó, đối với hồ sơ hợp thửa đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì thuộc thẩm quyền giải quyết ký cấp giấy của các quận, huyện. Thời gian giải quyết là 15 ngày. Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP sẽ giải quyết các hồ sơ hợp thửa của tổ chức.
Tuy nhiên, theo Sở TN&MT TP, thực tế phần lớn người dân có nhu cầu hợp thửa thì thường gắn liền với việc được chứng nhận nhà ở/công trình không phải nhà ở. Theo quy trình thì sau khi quận/huyện ký cấp giấy chứng nhận (GCN) xong mất 15 ngày, người dân muốn được cập nhật tài sản trên đất (nhà ở/công trình không phải nhà ở) thì thuộc thẩm quyền giải quyết của VPĐKĐĐ TP. Thời gian giải quyết là 15 ngày. Như vậy, tổng thời gian giải quyết phải mất 30 ngày và hai cơ quan khác nhau.
Để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, Sở TN&MT kiến nghị TP cho phép VPĐKĐĐ TP giải quyết hồ sơ hợp thửa đất kết hợp với đăng ký thay đổi tài sản gắn liền với đất. Cụ thể, trường hợp người dân được cấp phép xây dựng nhà ở trên nhiều thửa đất mà có nhu cầu đăng ký thay đổi tài sản thì VPĐKĐĐ TP thực hiện hai thủ tục ghép là hợp thửa đất và cấp GCN quyền sở hữu nhà ở.
Trường hợp người dân đề nghị tách thửa đất để hợp thửa với thửa đất liền kề và đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở, nếu có nhu cầu thay đổi tài sản thì VPĐKĐĐ TP sẽ thực hiện hai thủ tục ghép là tách thửa đất để hợp thửa với thửa đất liền kề và cấp GCN quyền sở hữu nhà ở.
Trường hợp người dân được cấp phép xây dựng công trình không phải nhà ở trên nhiều thửa đất và có nhu cầu thay đổi tài sản thì VPĐKĐĐ TP cũng sẽ thực hiện luôn ba thủ tục ghép là hợp thửa đất, đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất (trong trường hợp không phải xin phép) và cấp chứng nhận sở hữu công trình nhà ở.
Một nội dung khác cũng tương tự là thủ tục chuyển quyền sử dụng đất gắn liền với hợp thửa đất. Sở TN&MT cho biết việc giải quyết hai thủ tục này cũng mất 25 ngày và qua hai cơ quan như trên (hợp thửa 15 ngày và chuyển quyền 10 ngày). Vì vậy, sở này đề xuất VPĐKĐĐ TP sẽ thực hiện hai thủ tục ghép là cấp GCN cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất và hợp thửa đất để rút ngắn thời gian giải quyết xuống còn 15 ngày.
Rà soát, đề xuất điều chỉnh bộ thủ tục hành chính
Theo Sở TN&MT TP, hiện nay việc giải quyết hồ sơ hợp thửa đất phần lớn gắn liền với nhiều thủ tục khác nhau như đã nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định thực hiện ghép các thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền khác nhau nên sở này đã đề xuất như vậy. Đồng thời Sở TN&MT sẽ rà soát, đề xuất điều chỉnh bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai để phù hợp với thực tiễn.
Cũng liên quan đến nội dung hợp thửa, tách thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa, Nghị định 148/2020 (có hiệu lực từ ngày 8-2-2021) giao UBND TP.HCM sẽ căn cứ quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách/hợp thửa theo từng loại và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.
Theo Sở TN&MT, người dân nộp hồ sơ đề nghị hợp thửa sau ngày 8-2-2021 thì cần phải có quy định về điều kiện hợp thửa đất theo quy định nêu trên. Tuy nhiên, đến nay TP chưa ban hành quy định về điều kiện hợp thửa đất. Vì vậy, Sở TN&MT đề xuất TP chấp thuận cho sở này cùng các quận, huyện và TP Thủ Đức được tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hợp thửa của người dân bình thường cho đến khi có quy định cụ thể để không làm gián đoạn nhu cầu của người dân.