Ngày 11-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở TN&MT TP.HCM.
Dân vẫn mệt mỏi vì thủ tục
Ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ quận 9, TP.HCM) nói: “Thủ tục hành chính về nhà, đất hiện nay vẫn khiến dân rất mệt mỏi”. Ông kể trước tết ông có làm thủ tục đóng lệ phí trước bạ nhà, đất. Khi làm tờ khai, ông có sơ suất là không khai mục “hạng mục sử dụng đất”. Ông nhận được hẹn sau 15 ngày sẽ đến nhận lại hồ sơ. Đúng hẹn, ông đến và được cán bộ trả lại hồ sơ, yêu cầu khai bổ sung vào mục trên. “Lúc đó, tôi chỉ lấy viết điền thêm mấy chữ vô phần hạng mục sử dụng đất rồi nộp lại hồ sơ. Cán bộ nhập lại toàn bộ hồ sơ như một hồ sơ mới và thông báo đến 15 ngày nữa đến nhận hồ sơ. Vậy có chết người dân không!” - ông Hoàng bức xúc.
Ông Hoàng nêu quan điểm, thay vì bắt ông phải nộp hồ sơ lại từ đầu, tổ xử lý chỉ cần linh hoạt bằng cách gọi điện thoại mời ông đến bổ sung vào hạng mục còn thiếu rồi vẫn chạy bình thường, người dân sẽ không mất thời gian chờ đợi thêm 15 ngày nữa.
Cạnh đó, ông Hoàng cho biết thêm: Kể từ khi các cơ quan/chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển về Sở TN&MT thì hồ sơ cấp sổ hồng kéo dài hơn so với trước kia. “Hiện nay, làm sổ hồng mất vài tháng, nếu có sai sót thì cộng thêm vài tháng nữa. Như vậy sẽ làm cho người dân ngại đăng ký quyền sử dụng đất, không hoàn công, không sang tên thì Nhà nước thất thu thuế mà còn phát sinh nhiều hệ lụy, tranh chấp sau này” - ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, hiện nay Sở TN&MT mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá thái độ của cán bộ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Chưa “mở cửa” cho người dân đánh giá về các bộ thủ tục đó xem có phù hợp hay không.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ quận 9, TP.HCM, cho biết nhiều người dân ngao ngán khi làm thủ tục hành chính nhà, đất. Ảnh: THANH TUYỀN
Luật sư Trương Thị Hòa nêu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: THANH TUYỀN
Một cửa, nhiều khóa
LS Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia TP.HCM) cho rằng quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại Sở TN&MT là một cửa có nhiều khóa. Cụ thể, người dân chỉ đến một nơi để nộp hồ sơ nhưng phải đi lại nhiều nơi mới hoàn thiện được hồ sơ, có hồ sơ hợp lệ rồi nộp.
Theo LS Hậu, vướng mắc lớn nhất nằm ở khâu đo vẽ bản đồ hiện trạng vị trí để làm sổ hồng. Có nhiều trường hợp một thửa đất cấp cho nhiều người làm phát sinh tranh chấp. Cả hai người dân đều thực hiện đúng thủ tục hành chính nhưng do cơ quan chức năng làm sai đã đẩy họ đến những phiền hà, rắc rối.
16 triệu là số sổ hồng đã được cấp cho người dân TP.HCM. Tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: “Hiện còn nhiều trường hợp có tranh chấp, vướng mắc, mua bán bằng giấy tay… nên việc làm sổ hồng khá phức tạp và cần phải rà soát qua nhiều khâu”. |
LS Trương Thị Hòa đồng ý với ý kiến của LS Hậu và bà cho rằng chuyện “một cửa nhiều khóa, một cổ nhiều tròng” nằm ở chỗ hệ thống pháp luật hiện hành quá… rối rắm. “Các văn bản pháp luật hiện rất nhiều, cùng chi phối một mảnh đất, chi phối tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, người dân cũng khổ mà cán bộ cũng… khó, không dễ khi làm sổ hồng cho dân!” - LS Hòa nói.
Từ đó, LS Hòa kiến nghị cần có quy định của pháp luật rõ ràng để người dân thực hành dễ, cán bộ cũng tiện trong việc xử lý hồ sơ. “Pháp luật thì nhiều, hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa rõ khiến cho nhận thức không rõ ràng, mỗi người hiểu một cách khiến cho doanh nghiệp, người dân gặp khó trong quá trình thực hiện; chính cán bộ cũng khó để giải quyết. Một cửa nhiều khóa. Có những khóa đó là do pháp luật. Quan trọng là những khóa đó có mở được hay không, mở dễ hay không. Tôi nghĩ nên đứng trên quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân để tháo gỡ” - LS Hòa nói.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho rằng bức xúc của người dân về thủ tục nhà, đất là có, là những sự việc rất cụ thể. Điều này có thể xuất phát từ trình độ năng lực hoặc sự vô cảm của cán bộ với người dân cũng như độ vênh của pháp luật… MTTQ và HĐND sẽ tiếp tục có những buổi giám sát cũng như lắng nghe ý kiến của người dân và kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa. Các sở, ngành liên quan đến nhà, đất cần tiếp tục lắng nghe và cải cách thủ tục hơn nữa để giảm sự bức xúc của người dân, nâng cao năng lực cán bộ.
Xem kỹ hồ sơ, trả lời ngay cho dân biết Về vấn đề cải cách hành chính, LS Trương Thị Hòa cho rằng hiện nay các thủ tục đã được cải cách rất nhiều. Tuy vậy, vẫn có một vài trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”. Chia sẻ với ý kiến của ông Nguyễn Văn Hoàng, LS Hòa cho rằng trong trường hợp đó, cán bộ hoàn toàn có thể móc điện thoại ra để chủ động liên lạc với người dân. “TP.HCM hướng tới là TP thông minh thì chúng ta cũng phải cải cách cái đó, trong cách liên hệ với dân. Phải làm sao cho nhanh chứ đừng để đến 5, 7 hoặc 10 ngày sau, thậm chí chờ đến ngày hẹn trả kết quả thì mới thông báo hồ sơ có trục trặc, bảo dân làm lại. Tôi cho rằng đó là điều không nên, chúng ta phải kịp thời xử lý hồ sơ người dân khi nộp, cán bộ phải xem kỹ là đã đủ và đúng hay chưa, sau đó 24-48 giờ phải giải quyết cho người dân” - LS Hòa nói. |