Ngày 2-6, UBND TP.HCM đã họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, năm tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 6-2022.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng phát biểu kết luận buổi họp. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM |
Kinh tế phục hồi, thu ngân sách tăng
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm tháng đầu năm, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP, cho biết kinh tế TP tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, nhìn chung các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 210.000 tỉ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 57.200 tỉ đồng, đạt 49,10% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 39.509 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP.HCM, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP đã giải ngân chỉ mới hơn 4.300 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 13,5% tổng kế hoạch vốn giao. Trong khi đó kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP được HĐND TP thông qua vào tháng 12-2021 với tổng số vốn là gần 45.000 tỉ đồng.
Theo Sở KH&ĐT TP, tỉ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021, việc tái khởi động thi công các dự án trong các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian dịch bệnh; chi phí đầu vào tăng cao…
Còn ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, cho biết do ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine, giá xăng dầu tăng làm ảnh hưởng đến tất cả loại giá vật liệu đầu vào của ngành xây dựng.
Theo ông Hải, các nhà thầu trúng thầu theo hợp đồng nêu quan ngại “càng làm thì càng lỗ”. Từ đó họ có tâm lý làm cầm chừng, chờ có chính sách điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng.
Các sở, ngành cần nhanh chóng suy nghĩ, đề ra những giải pháp trước tỉ lệ giải ngân đầu tư công của TP chậm, chỉ đạt 13,5% so với kế hoạch đặt ra.
Giải ngân không đạt có lỗi lớn từ sở, ngành
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho rằng chúng ta không thể hài lòng với kết quả kinh tế - xã hội trong năm tháng nêu trên. Từ đó, cần phải tìm ra những giải pháp để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Theo bà Thắng, kinh tế TP có phục hồi, tăng trưởng so với quý I nhưng phục hồi chậm so với cùng kỳ và so với tốc độ chung của cả nước, đặc biệt là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra.
Phó chủ tịch UBND TP đề nghị các sở, ngành được giao nhiệm vụ cần phải nhanh chóng suy nghĩ, đề ra những giải pháp. “Chúng ta phải thấy rằng nói theo kiểu dân gian là tiền kiếm đã khó mà xài tiền không được thì chúng ta cũng cần phải xem lại năng lực và trách nhiệm” - bà Thắng nhìn nhận và đề nghị những đơn vị chủ đầu tư đã được bố trí vốn nhưng chưa thực hiện giải ngân cần phải tự mình rà soát xem vướng mắc, tiến độ, nguyên nhân khách quan, chủ quan nằm ở đâu. Đồng thời, các đơn vị cần xem lại việc phân bổ vốn, nếu không đến cuối năm 2022 TP sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ này.
Phó chủ tịch TP.HCM cho rằng nếu không hoàn thành được thì có lỗi và trách nhiệm rất lớn ở các sở, ngành.•
Tăng tốc tiêm vaccine mũi 4
Về tiến độ tiêm vaccine mũi 4 và vaccine cho trẻ em chưa đạt yêu cầu, bà Phan Thị Thắng cho biết do nhiều yếu tố gồm: Tâm lý của phụ huynh, công tác thông tin tuyên truyền chưa kịp thời và những người đi tiêm mũi 4 cũng chưa khai báo đồng bộ.
Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng đề nghị: Trong tháng 6-2022, tiếp tục kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch bệnh; thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao ý thức người dân trong việc tiêm vaccine khi đến hạn tiêm; khẩn trương tham mưu đề án mua sắm trang thiết bị y tế tập trung…
Đặc biệt, Sở Y tế phải tổng hợp được hết tất cả nội dung vướng mắc còn tồn tại về kinh phí của phòng chống dịch bệnh năm 2022, thậm chí là năm 2020-2021; phối hợp với báo cáo Sở Tài chính để có một đề xuất cho UBND TP xử lý trong kỳ họp HĐND TP tới nếu như các chính sách hoặc dự toán chưa có. “Chúng ta càng để dài thì càng khó xử lý và càng phức tạp” - bà Thắng nói.