3 quy định mới liên quan công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 6-2022

(PLO)- Tám vị trí công tác tổ chức cán bộ phải thực hiện định kỳ chuyển đổi, hay không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức chuyên ngành y tế... là những chính sách mới mà công chức, viên chức cần biết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ tháng 6 này, một số quy định liên quan tới quyền lợi của công chức, viên chức sẽ có hiệu lực thi hành.

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực tổ chức cán bộ địa phương

Thông tư 3/2022 của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 1-6 đã điều chỉnh lại quy định về thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương là từ đủ ba năm đến năm năm (quy định cũ là ba năm - đủ 36 tháng).

Từ tháng 6-2022, có tám vị trí công tác tổ chức cán bộ phải thực hiện định kỳ chuyển đổi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ tháng 6-2022, có tám vị trí công tác tổ chức cán bộ phải thực hiện định kỳ chuyển đổi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thông tư này cũng đưa ra tám vị trí công tác tổ chức cán bộ phải thực hiện định kỳ chuyển đổi, gồm:

- Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; thi nâng ngạch công chức, viên chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.

- Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp.

- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

- Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.

- Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài

Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6 là Nghị định 26/2022 quy định về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó có quy định quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho Lãnh sự danh dự. Cụ thể:

- Lãnh sự danh dự được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Nước cử là thành viên.

- Lãnh sự danh dự không được sử dụng giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự, túi ngoại giao, túi lãnh sự, điện mật mã để liên hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Nước cử hoặc với Chính phủ của Nước cử, trừ trường hợp đặc biệt sau khi được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép.

- Lãnh sự danh dự được hưởng quyền được thông báo cho Nước cử khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc bị truy tố; quyền không phải cung cấp chứng cứ liên quan đến chức năng lãnh sự và quyền miễn trừ xét xử đối với những hành động chính thức khi thực hiện chức năng lãnh sự của mình.

- Thành viên gia đình của Lãnh sự danh dự không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ.

Ngoài ra Nghị định này còn quy định về tiêu chuẩn của ứng viên Lãnh sự danh dự, quyền và nghĩa vụ của Lãnh sự danh dự…

Thông tư mới của Bộ Y tế không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Ảnh minh hoạ: HOÀNG GIANG

Thông tư mới của Bộ Y tế không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Ảnh minh hoạ: HOÀNG GIANG

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành y tế

Từ ngày 10-6, không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Đây là điểm mới tại Thông tư 03/2022 của Bộ Y tế sửa đổi quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Chẳng hạn tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với bác sĩ cao cấp (hạng I) bao gồm:

Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng), bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Còn đối với bác sĩ chính (hạng II) thì yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng), bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Đối với bác sĩ (hạng III) thì yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành Y học dự phòng), bác sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt; có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ)…

Như vậy, Thông tư 03 chỉ yêu cầu các viên chức chuyên ngành y tế có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm