Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 9 điều 6 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật kế toán; Luật kiểm toán độc lập; Luật ngân sách nhà nước; Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật quản lý thuế; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật dự trữ quốc gia; Luật xử lý vi phạm hành chính.
3 trường hợp nợ thuế có thể bị tạm hoãn xuất cảnh
Điều 1 dự thảo này quy định áp dụng ngưỡng nợ và thời gian nợ đối với 3 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Cụ thể, cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên;
Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên.
Riêng đối với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký mà vẫn còn nợ thuế thì cần áp dụng ngay biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi được nợ thuế vào ngân sách nhà nước.
Cơ quan thuế sẽ thông báo tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cho người nộp thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện biện pháp này.
Bộ Tài chính nói gì?
Lý giải về các đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ... cũng áp dụng chính sách hạn chế đi lại đối với các cá nhân có nợ thuế lớn và thời gian nợ thuế dài để bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Mặt khác, từ cuối năm 2023, cơ quan quản lý thuế đã đẩy mạnh triển khai biện pháp này với các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trong khi vẫn còn nợ thuế.
Kết quả rất tích cực khi thu hồi được số nợ thuế tồn đọng lâu nay. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tự giác đi nộp thuế nợ từ nhiều năm nay để được gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
Nếu áp dụng đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính ước tính cả nước có khoảng 380.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Qua số liệu khảo sát, Bộ Tài chính tính toán nếu ngưỡng nợ đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 50 triệu đồng trở lên; doanh nghiệp từ 500 triệu đồng trở lên thì có khoảng 81.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Nếu chọn ngưỡng nợ thuế đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng trở lên; doanh nghiệp từ 1 tỉ đồng trở lên thì cả nước có khoảng 40.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
"Quy định góp phần làm tăng thu cho ngân sách nhà nước này có thể tác động đến khoảng 301.713 cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh và khoảng 78.595 cá nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp...; góp phần nâng cao ý thức tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế", Bộ Tài chính nhận định.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lựa chọn thời gian nợ trên 120 ngày để đảm bảo công tác thu hồi nợ đọng thuế, tăng tính tuân thủ của người nộp thuế, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài khó thu hồi nợ, đồng thời tránh gây tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước.