Ngày 8-1-2019, ông Nguyễn Vũ Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi, doanh nghiệp thực hiện dự án làm cầu đường sắt Bình Lợi mới, cho biết đến nay tổng tiến độ, khối lượng công trình đã đạt hơn 76%.
Ở phía bờ Nam, quận Bình Thạnh, đường ray tạm cho đường sắt quốc gia Bắc - Nam đã được "uốn" cong cách tường chắn của đường dẫn lên - xuống cầu mới hơn 2,5 m.
Cạnh đó, trụ điện cao thế 110 KV cũng đã được di dời ra cách đường ray tạm hơn 2,5 m, bảo đảm cho các chuyến tàu Bắc - Nam lưu thông bình thường qua khu vực công trường cầu mới 24/24.
Từ phía bờ Bình Thạnh, các trụ cầu đã được hoàn thành cho phép lắp, nối kết các đốt hộp dầm siêu trường, siêu trọng trên hệ đà giáo tạm để lao, kéo dần dần ra phía giữa sông.
Ở dưới mép nước phía bờ Nam, từ trên bờ cho đến dưới sông, các loại phương tiện, sà lan được tập trung để lắp, kéo dầm từ trên bờ ra và thi công hệ trụ. Các trụ này được cắm xuống lòng sông sâu hơn 45 m để làm hệ đà giáo, chờ đón khối nhịp dầm của khoang thông thuyền dài hơn 101 m từ bờ Nam lao ra về hướng bờ Bắc, quận Thủ Đức.
Ở bờ Bắc, quận Thủ Đức, hệ tường chắn cho đường dẫn theo hướng từ ga Bình Triệu lên cầu mới đang được gấp rút thi công.
Theo thiết kế, đoạn đường dẫn phía bờ Bắc, quận Thủ Đức sẽ kéo dài đến cách gác chắn giao cắt quốc lộ 13 với đường sắt Bắc - Nam khoảng 30 m thì nối vào hệ đường ray hiện hữu. Như vậy, khi hoàn thành vị trí gác chắn giao cắt hiện hữu vẫn được duy trì.
Cũng theo thiết kế, khổ đường dẫn và mặt cầu mới được làm cho hệ đường ray khổ rộng 1,4 m cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong tương lai. Trước mắt, đường ray chạy trên đường dẫn và qua cầu mới vẫn là 1m.
Tàu thuyền được điều tiết chạy lùi từ hướng thượng lưu xuống hạ lưu
Theo ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7-Bộ GTVT, cầu Bình Lợi mới nằm ngay cửa ngõ TP và trên tuyến giao thông thủy quan trọng, kết nối với các Khu công nghiệp phía Bắc TP. HCM, Bình Dương và Tây Ninh nên mật độ tàu thuyền qua lại rất lớn.
Cạnh đó, vị trí đường dẫn hai đầu cầu sát đường sắt Bắc – Nam hiện hữu đang khai thác nên nhà thầu vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và đường thủy.
Do tĩnh không thông thuyền của cầu hiện hữu chỉ cao 1,5 m nên việc điều hòa lưu thông tàu thuyền qua cầu cũ và khu vực công trường là cực kỳ phức tạp.
Theo ông Khoát, khi cầu mới hoàn thành thì khoảng thông thuyền mới sẽ rộng trên 100 m, cao 7 m, bảo đảm cho các loại tàu thuyền lớn lưu thông vào mọi thời điểm nước lớn, nước ròng, không còn phải chờ con nước như hơn 100 năm qua.
Theo ông Nam, hiện phía bờ Bắc, quận Bình Thạnh còn vướng đường dây cáp quang vắt ngang phía trên đường sắt quốc gia và phần nhịp cầu đường sắt mới vượt lên trên đường Nơ Trang Long. Hiện doanh nghiệp dự án đang hoàn chỉnh đề nghị di dời, nâng cao đường cáp này và trình Sở GTVT phương án tổ chức lưu thông để lao lắp nhịp cầu vượt trên đường Nơ Trang Long.
Sau khi cầu mới hoàn tất, tàu lửa được đi qua và tháo dỡ cầu cũ xong thì có thể cho phép các loại tàu thuyền tải trọng lớn đi qua nhưng chưa thu phí BOT.
"Đến năm 2020, sau khi cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn xong và được sự cho phép của các Bộ, ngành thì mới tiến hành thu phí BOT các loại tàu thuyền từ trên 300 tấn chui qua cầu đường sắt Bình Lợi mới", ông Nam nói.
Kế hoạch tiến độ công trình trong thời gian tới: - Hoàn thành phần dầm, giàn thép và đường vào cầu trước ngày 15-3-2019. - Hoàn thành thông cầu đường sắt vào ngày 30-4-2019. - Hoàn thành tháo dỡ cầu cũ vào ngày 30-6-2019. - Hoàn thành phần cải tạo luồng trước ngày 31-12-2019. |