UBND TP.HCM vừa tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn đầu tư dự án nâng cao đoạn đường sắt quốc gia Bình Triệu-Hòa Hưng (Ga Sài Gòn, quận 3). Nhưng theo các chuyên gia xây dựng đường sắt, đô thị, xét trên các tiêu chí kỹ thuật, quy hoạch thì dự án trên rất khó triển khai trong thời gian tới.
Chưa có chuẩn kỹ thuật
Hiện đoạn đường sắt được đề xuất nâng cao dài 9,5 km (trong tổng số 14,4 km đường sắt quốc gia qua TP.HCM), giao cắt với đường bộ tại 14 điểm nên thường gây ra ùn tắc giao thông mỗi khi tàu chạy qua, nhất là giờ cao điểm. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân thường xuyên dẫn đến các vụ tai nạn.
Năm 2013, tại Quyết định 568, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến sau năm 2020 nêu rõ: Ga Sài Gòn vẫn ở vị trí cũ nhưng cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn Trảng Bom-Hòa Hưng (Ga Sài Gòn), riêng đoạn từ Ga Bình Triệu đến Ga Hòa Hưng sẽ thành đường sắt trên cao. Tại thời điểm đó, theo tính toán của các cơ quan tư vấn của Bộ GTVT, để làm đoạn đường sắt trên cao này thì cần kinh phí hơn 200 triệu USD (khoảng 46.000 tỉ đồng).
Theo các chuyên gia, nếu toàn đoạn 9,5 km đi trên cao thì đáy của nó phải cách mặt đường bộ hiện hữu là 4,75 m. Cạnh đó, để đưa 9,5 km đường sắt lên cao thì từ đoạn trước Ga Bình Triệu (khoảng từ sau Ga Thủ Đức) đã phải vuốt dần lên cao thì mới triệt tiêu được 14 điểm giao cắt trong nội đô, còn nếu chỉ vuốt từ sau Ga Bình Triệu, cầu Bình Lợi thì cũng chỉ triệt tiêu được 1/2 số điểm giao cắt trên. Cạnh đó, khi đường đã lên cao thì nhà ga duy nhất trên đoạn này là Ga Gò Vấp cũng phải đưa lên độ cao tương ứng. Như vậy tổng kinh phí sẽ không nằm ở mức 200 triệu USD.
Cũng theo các chuyên gia, đến nay tại TP.HCM mới chỉ có tuyến đường sắt đô thị metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đang được xây dựng với hơn 11,9 km đi trên cao. Metro đi trên cao khác hoàn toàn với đường sắt quốc gia đi trên cao và đến nay tại Việt Nam chưa có mẫu hình, tiêu chuẩn kỹ thuật của đường sắt quốc gia đi trên cao. “Đường tàu metro làm cho đoàn tàu bốn toa dài khoảng 100 m lưu thông, trong khi đoàn tàu của đường sắt quốc gia phải chịu tải của đoàn tàu 12-14 toa, dài 350-400 m. Chỉ một chi tiết kỹ thuật nhỏ như thế đã thấy phức tạp rồi. Nên không thể muốn và nói là làm được ngay đường sắt quốc gia đi trên cao qua TP.HCM” - các chuyên gia nhận định.
Nếu đưa đường sắt Bình Triệu-Hòa Hưng lên cao theo quy hoạch thì hành lang giải tỏa sẽ là 30-40 m. Ảnh: LƯU ĐỨC
Rộng 10 m, 30 m hay 40 m?
Từ những năm 2010, giữa TP.HCM và Bộ GTVT đã có các cuộc trao đổi về cắm mốc chỉ giới tuyến đường sắt quốc gia đoạn qua địa bàn TP (dài 14,54 km, chạy qua năm quận: 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức - PV). Mốc chỉ giới được tính từ mép ray ngoài ra mỗi bên 15 m nhằm xác định phạm vi xây dựng hiện hữu và tương lai, bảo vệ công trình và hành lang an toàn đường sắt.
Năm 2014, Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm mốc chỉ giới rộng 30 m để phục vụ cho việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc quốc gia đoạn Trảng Bom-Hòa Hưng, trong đó có đoạn đi cao 9,5 km trên. Tuy nhiên, quan điểm của TP.HCM khi đó cho rằng ranh giới hiện tại của tuyến đường sắt quốc gia từ Ga Bình Triệu đến Ga Sài Gòn chỉ rộng dưới 10 m. Nếu mở rộng lên 30 m thì việc bồi thường giải tỏa rất khó khăn.
Theo thống kê hồi năm 2010, nếu giữ mốc chỉ giới rộng 30 m thì sẽ có hơn 6.000 căn nhà với hàng chục ngàn hộ dân ở 19 phường thuộc các quận Thủ Đức (các phường Linh Đông, Linh Tây và Hiệp Bình Chánh), quận Bình Thạnh (các phường 11 và 13), quận Gò Vấp (các phường 1, 3, 4 và 5), quận Phú Nhuận (các phường 4, 5, 8, 9, 10, 11 và 13) và quận 3 (các phường 9, 11 và 12) bị giải tỏa.
Mới đây, ngày 3-8, tại buổi làm việc giữa TP.HCM với Bộ GTVT, các cơ quan tư vấn đưa ra chỉ giới làm đường sắt cao tốc quốc gia đoạn TP.HCM-Nha Trang là 30-40 m, trong đó có nhánh đi vào nội đô TP.HCM theo hướng tuyến Bình Triệu-Hòa Hưng. “Nếu mở chỉ giới lên 40 m để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tuyến đường sắt cao tốc quốc gia qua TP.HCM thì không chỉ có hơn 6.000 căn nhà bị ảnh hưởng. Thế nên kinh phí sẽ còn lớn hơn tính toán ban đầu!” - các chuyên gia cho biết.
Ga Bình Triệu “treo” đến bao giờ? Muốn nâng cấp, đưa lên cao đoạn 9,5 km đường sắt quốc gia Bình Triệu-Hòa Hưng thì trước hết phải thực hiện dự án mở rộng Ga Bình Triệu hiện hữu. Theo quy hoạch cách nay 15 năm, khu vực ga này sẽ mở rộng lên gần 47 ha và để thực hiện quy hoạch ga đường sắt Bình Triệu thì cần đến hơn 33.000 tỉ đồng. Đây là số vốn quá “khủng” nên đến nay dự án này vẫn tắc. Theo Luật Đường sắt, các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị có cùng đường đôi, khổ đường 1.435 mm. Từ năm 2008, TP.HCM đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn Trảng Bom-Bình Triệu và đoạn Bình Triệu-Hòa Hưng, trong đó đoạn Bình Triệu-Hòa Hưng chuyển chức năng thành đường sắt đô thị (đi ngầm hoặc trên cao). Nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm đoạn 9,5 km vẫn là đường sắt quốc gia. |